Vướng mắc tại dự án Cam Ranh Citygate (bài 2): Người dân 7 năm ‘gồng’ lãi vay, trách nhiệm thuộc về ai?
Tình cảnh trớ trêu của anh Hoan và chị Liên nhiều năm qua đang phải gồng gánh lãi vay để góp vốn đầu tư tại dự án Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh (hay còn gọi là Cam Ranh Citygate) của chủ đầu tư Công ty cổ phần Câu lạc bộ Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh. Dù đã đóng tiền 97 % giá trị hợp đồng kể từ năm 2017 và được nhận bàn giao lô đất nền thế nhưng những khách hàng như anh Hoan, chị Liên không thể xây dựng nhà ở.
Khi góp vốn đầu tư vào lô đất tại dự án Cam Ranh Citygate, anh Hoan đã phải vay ngân hàng 70% và 7 năm qua, anh đang phải sống chung với khoản nợ ngân hàng cùng áp lực hàng tháng trả hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, 2 vợ chồng và 3 người con đang phải đi thuê nhà, còn giấc mơ có nhà ở vẫn dở dang.
Vướng mắc tại dự án Cam Ranh Citygate khiến người dân 7 năm ‘gồng’ lãi vay. |
Theo các khách hàng, trong Quyết định số 3417/QĐ-UBND ngày 14/11/2017 của UBND tỉnh Khánh Hoà đã nêu rõ, khu biệt thự du lịch tại dự án này có tính chất là đất ở lâu dài, nên họ đã ký hợp đồng góp vốn để mua các lô đất nêu trên theo diện “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Ngoài ra, theo Quyết định 860/QĐ-UBND của tỉnh Khánh Hoà ngày 31/03/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thành phố Cam Ranh thì trên Bản đồ quy hoạch đã thể hiện rõ 280 lô đất đã bán tại dự án này thuộc quy hoạch là “đất ở đô thị”.
Tuy nhiên, sau đó, chủ đầu tư lại ra thông báo với nội dung ngày 7/12/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 3376/QĐ-UBND về việc điều chỉnh tính chất sử dụng đất tại Quyết định 3417/QĐ-UBND ngày 14/11/2017 từ “đất ở không hình thành đơn vị ở” sang “đất thương mại dịch vụ” có thời hạn sử dụng 50 năm.
Xây không được, bán không xong trong khi phải gồng gánh lãi vay, nhiều khách hàng đã tìm đến chủ đầu tư để hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời là việc này phải chờ tỉnh giải quyết. Còn chính quyền địa phương cho rằng, việc tháo gỡ những vướng mắc không chỉ tại dự án Cam Ranh Citygate và còn rất nhiều dự án khác tại tỉnh Khánh Hòa cần chờ quyết định từ Trung ương.
Theo các chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, đất ở không hình thành đơn vị ở không được quy định trong Luật Đất đai hoặc bất kỳ văn bản nào. Việc các địa phương có những quy định về loại hình đất ở không hình thành đơn vị ở, thì rõ ràng địa phương đó cần phải phối hợp với chủ đầu tư và chủ đầu tư cũng cần ngồi lại với khách hàng để xử lý những vấn đề tồn tại. Ở đây, cần một cơ chế chính sách của cơ quan Trung ương, cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ phía địa phương và chủ đầu tư.
Được biết, dự án Cam Ranh Citygate có 280 lô đất biệt thự du lịch. Với số tiền góp vốn đến 97%, chủ đầu tư đã huy động vốn hàng trăm tỷ đồng từ các khách hàng. Vì thế, hiện các hộ dân đang rất mong mỏi các cấp chính quyền, chủ đầu tư sớm tháo gỡ vướng mắc tại dự án này.
Liên quan đến các phản ánh của khách hàng – người tiêu dùng có đất tại dự án Cam Ranh Citygate, Báo Công Thương đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Để tháo gỡ vướng mắc tại các dự án như Cam Ranh Citygte, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét, đánh giá một cách toàn diện và đưa hướng xử lý kịp thời những dự án “chết yểu” nhiều năm qua. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án cũng cần có trách nhiệm xử lý những kiến nghị, vướng mắc tại dự án, tránh tình trạng thu tiền tỷ của khách hàng rồi “đem con bỏ chợ”. Từ đó, tháo gỡ những nút thắt và giải tỏa những bức xúc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.