Về thủ phủ sản xuất bánh kẹo đặc sản Thái Bình tất bật vào vụ Tết
Theo UBND xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trên địa bàn xã có khoảng 500 gia đình làm nghề sản xuất chế biến lương thực thực phẩm. Thế nhưng, vào thời vụ cao điểm Tết Nguyên đán có tới hơn 1.900 hộ, chiếm 90% số hộ của xã làm nghề, chủ yếu sản xuất bánh kẹo, đem lại giá trị sản xuất cho địa phương hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đến nay, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng có 6 sản phẩm bánh kẹo đạt OCOP 3 sao, 4 sao.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng bánh kẹo tăng cao của người dân dịp Tết năm nay, tại làng nghề Nguyên Xá, huyện Đông Hưng thời điểm này đang hối hả bước vào vụ Tết.
![]() |
Công nhân xưởng bánh kẹo Thiên Đức đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh Phương Cúc |
Đến đây, hỏi ai cũng biết đến cơ sở sản xuất bánh kẹo Thiên Đức của gia đình anh Trần Văn Đức - người đã dành cả thanh xuân để gìn giữ và phát triển nghề gia truyền. Xưởng bánh kẹo của anh không chỉ là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, mà còn là nơi gửi gắm tâm huyết, sự sáng tạo.
Sau 25 năm gắn bó với nghề, Thiên Đức không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn giữ trọn vẹn hương vị quê hương mộc mạc, bình dị. Không chỉ dừng lại ở bánh cáy trứ danh của Thái Bình, Thiên Đức còn chinh phục thực khách bằng gần 80 loại bánh kẹo đặc sản từ khắp mọi miền đất nước.
Ngoài sản xuất đặc sản bánh cáy của địa phương, cơ sở còn sản xuất gần 80 loại bánh kẹo đặc sản của nhiều vùng miền khác nhau. Do đó, những ngày cuối năm này, các công nhân đang dồn hết công suất để sản xuất kịp những đơn đặt hàng và hàng bán ra ngoài thị trường.
Anh Nguyễn Văn Đông - Phụ trách sản xuất Xưởng sản xuất Bánh kẹo Thiên Đức cho biết, sản lượng đã tăng 10 lần so với cùng kỳ. Mức lương của mỗi công nhân tại đây cũng dao động từ 6 - 7 triệu. Hiện nay sản phẩm làng nghề đã có mặt ở 63 tỉnh thành và xuất khẩu sang một số nước như Nhật, Lào, Campuchia.
Không chỉ có Thiên Đức, mà nhiều xưởng sản xuất khác như cơ sở của ông Nguyễn Đình Mạnh cũng đang "chạy đua" với thời gian.
Ông Nguyễn Đình Mạnh (chủ cơ sở sản xuất) cho biết: “Để phục vụ lượng hàng hóa Tết 2025, cơ sở đã mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công. Bên cạnh đó đầu tư thêm máy móc để giảm các chi phí khác”.
Cũng theo ông Mạnh, vì số lượng hàng hóa dịp Tết tăng cao nên mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 2 tấn kẹo thành phẩm. Ngoài bánh cáy là sản phẩm chủ lực, cơ sở còn sản xuất thêm một số đặc sản của địa phương như kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo gạo lứt… Việc mở rộng sản xuất cũng đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả vùng.
Những tháng cuối năm là thời điểm các hộ sản xuất kẹo lạc nơi đây bận rộn nhiều hơn. Không chỉ mang đến cho thực khách sự yêu thích, các sản truyền thống của mảnh đất Nguyên Xá, đặc biệt là bánh cáy, kẹo lạc còn chứa đựng nét văn hóa, sự cần cù chịu khó của những con người nơi đây. Tin rằng, với sự nhiệt huyết, yêu lao động cùng với sự quan tâm, định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương, các sản phẩm truyền thống sẽ còn tiếp tục phát triển và được các thị trường lớn đón nhận.