Ngành gỗ Việt vượt rào cản, nắm bắt cơ hội từ EUDR
Sản phẩm gỗ là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) chịu sự kiểm soát về Quy định về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR).
Quy định này ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa sản phẩm gỗ tới EU, một thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đi vào thực thi.
Chúng tôi nhìn nhận quy định của Liên minh Châu Âu EUDR quy định về không gây mất rừng và không gây suy thoái, đây vừa là một thách thức rất lớn nhưng vừa là cơ hội. Thách thức vì đây là vấn đề mới đối với Việt Nam, mới về kỹ thuật, mới về chính sách.
Theo đó, quy định này làm phát sinh thách thức mới với doanh nghiệp gỗ khi cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng tính từ thời điểm 31/12/2020 về sau.
Các sản phẩm phải hợp pháp. Quá trình sản xuất ra sản phẩm tuân thủ toàn bộ các yêu cầu liên quan của quốc gia sản xuất. EUDR cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống việc giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này.
Để thích ứng với EUDR, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng khung kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR. Ngành gỗ của Việt Nam đã chủ động có sự chuẩn bị, sẵn sàng với quy định EUDR.
Việc tuân thủ EUDR không chỉ giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam là một quốc gia sản xuất gỗ bền vững.
Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. EUDR còn mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ EU và các nước thành viên; qua đó, giúp cải thiện hệ thống quản lý rừng, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.