Sửa đổi Nghị định về xuất xứ hàng hóa: Tạo nền tảng pháp lý mới cho xuất khẩu bền vững
Chiều 17/4 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 31/2018/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh thương mại quốc tế biến động.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp, cùng đại diện các bộ ngành và đơn vị liên quan tham dự, trao đổi sâu về các vấn đề then chốt như: cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, phân cấp/ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, tăng cường xử lý gian lận, đẩy mạnh số hóa thủ tục và cải cách hành chính.
Sau 7 năm áp dụng, Nghị định 31 đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi tăng trưởng mạnh, từ gần 49 tỷ USD năm 2018 lên hơn 99 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, thực tiễn mới từ các FTA thế hệ mới đặt ra yêu cầu cập nhật quy định, nhất là về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử, phân cấp thẩm quyền và xử lý gian lận.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các đơn vị rà soát toàn diện, tiếp thu góp ý để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng minh bạch, đơn giản, hiệu quả, đồng thời tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các hiệp hội và doanh nghiệp.
Việc sửa đổi nghị định lần này là bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hội nhập và tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.