Tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Luật Điện lực đã trải qua gần 20 năm triển khai thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (vào các năm 2012, 2018 và 2022), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung trước yêu cầu phát triển của ngành điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội và nhân dân.
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành là vấn đề cấp thiết. Do đó, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Mục đích cao nhất khi sửa đổi Luật Điện lực là bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới |
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã kế thừa các quy định của Luật Điện lực hiện hành và có sửa đổi 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện; bỏ 4 điều về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực, thanh tra điện lực.
Mục đích cao nhất khi sửa đổi Luật Điện lực là bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới. Theo đó, việc sửa đổi cần lưu ý tới một số yếu tố như trước đây, các nguồn điện giữ vai trò bảo đảm an ninh cung cấp điện (thủy điện, nhiệt điện) thường do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nhưng trong giai đoạn tới sẽ thay thế vai trò các nguồn điện này bằng điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng... Do vậy, các nguồn điện này cần được quy định, thể chế hóa trong dự thảo Luật để bảo đảm tiến độ, chất lượng, an ninh cung cấp điện.
Hiện nay, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phân tích đang nỗ lực đánh giá kỹ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Điện lực hiện hành, những vấn đề mới, đặc biệt phải kế thừa kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… bảo đảm khi trình Quốc hội ban hành được một đạo luật tốt, chất lượng, khả thi.