Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Đột phá đổi mới từ tư duy đến hành động
Theo báo cáo của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng một bậc so với năm 2023. Kết quả này là minh chứng sinh động cho hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế – thương mại, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của Bộ Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Thương hiệu quốc gia không chỉ là biểu tượng, mà là uy tín, là lời cam kết về chất lượng – đổi mới – năng lực tiên phong của quốc gia với thế giới.
Đánh giá về sự chuyển biến của giá trị thương hiệu quốc gia trong những năm qua, Ban Chuyên gia của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, từ khoảng năm 2022 đến nay, tổ chức đã ghi nhận một sự chuyển biến rõ rệt: nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về vai trò của thương hiệu đã tăng lên đáng kể – xấp xỉ 60%. Nhiều doanh nghiệp đã biết cách khai thác hiệu quả các yếu tố môi trường sống, văn hóa doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất để khẳng định vị thế thương hiệu của mình trên thị trường. Như vậy có thể thấy, trải qua hành trình phát triển cùng chương trình, các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã có những chuyển biến về nhận thức và hành động.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Thương mại: Với tư cách là thành viên Ban chuyên gia của chương trình từ năm 2008 đến nay, tôi có thể khẳng định, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình đã có những thay đổi toàn diện về mặt nhận thức và hành động. Đổi mới sáng tạo không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành chiến lược cụ thể với nhiều chính sách và chương trình hành động thiết thực.
Doanh nghiệp có thương hiệu mạnh không chỉ đầu tư vào sản phẩm, mà còn đầu tư vào quá trình đổi mới toàn diện, từ nghiên cứu phát triển đến quản trị, vận hành và chăm sóc khách hàng. Chỉ như vậy, doanh nghiệp mới có thể dẫn dắt thị trường, tạo ra giá trị khác biệt, và phát triển bền vững.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì, là chương trình xúc tiến thương mại duy nhất ở cấp quốc gia. Với ba giá trị cốt lõi: Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong, chương trình đã đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh, khẳng định uy tín hàng hóa Việt trên thị trường toàn cầu.
Nhằm tăng cường nhận biết Thương hiệu quốc gia Việt Nam, quảng bá giới thiệu các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tới cộng đồng xã hội trong và ngoài nước, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2025), từ ngày 16-21/4, Bộ Công Thương đã tổ chức Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Việt Nam 2025 với chủ đề: Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo.
Nhấn mạnh về vai trò của đổi mới sáng tạo trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết:
Trong giai đoạn Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế số – tiêu dùng xanh – công nghệ xanh, vai trò cấp thiết của thương hiệu quốc gia như một đòn bẩy chiến lược giúp doanh nghiệp vươn xa và khác biệt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Thương hiệu quốc gia không chỉ là biểu tượng, mà là uy tín, là lời cam kết về chất lượng – đổi mới – năng lực tiên phong của quốc gia với thế giới.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu không chỉ là công cụ marketing mà đã trở thành yếu tố chiến lược quyết định vị thế của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực để duy trì và phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ.
Là một doanh nghiệp thương hiệu quốc gia, được thành lập từ năm 2006, Công ty CP Ống đồng Toàn Phát hiện công ty đã xuất khẩu trên 50 quốc gia trên thế giới, những năm qua, công ty đã không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định uy tín thương hiệu trong mắt đối tác và người tiêu dùng.
Bà Bùi Hồng Anh – Giám đốc điều hành Công ty CP Ống đồng Toàn Phát: Năm 2024, công ty đã vinh dự được công nhận là một trong 190 doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Điều này đã mang lại nhiều giá trị và cơ hội cho công ty, như được hỗ trợ tham gia các sự kiện, triển lãm.
Để duy trì vị thế và danh hiệu Thương hiệu Quốc gia, công ty đã không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, cập nhật công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và phát triển bền vững. Để gia tăng năng lực cạnh tranh, công ty định hướng phát triển sản phẩm chất lượng cao, hướng tới các thị trường thân thiện với văn hóa Việt Nam.
Với định hướng rõ ràng từ Đảng và Nhà nước về việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một mũi nhọn chiến lược, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát huy tối đa nội lực sáng tạo của người Việt. Với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng đang ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.