
Kỳ vọng thị trường bất động sản “vượt chướng ngại vật” để bước vào chu kỳ phát triển mới
Trong năm 2023, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều khó khăn và áp lực. Thị trường phải chứng kiến sự rời đi của hàng ngàn doanh nghiệp bất động sản về lĩnh vực môi giới, phát triển dự án. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn đã phải lao đao khi thiếu dòng tiền. Toàn bộ phân khúc của thị trường, giao dịch rất nhỏ giọt, nhiều dự án cao cấp buộc phải giảm giá, điều chỉnh các chính sách chiết khấu lên mức cao nhất, thậm chí lên đến 40% để có thể bán được hàng đã cho thấy "cơn bĩ cực" chưa từng có của thị trường. Đây được đánh giá là hệ quả của quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch, thiếu an toàn của thị trường địa ốc trong thời gian dài trước đó.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 2023 là năm ghi dấu nhiều “cuộc chia ly” của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, 1.286 doanh nghiệp giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022 và 3.705 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 4.725, giảm 45%. Thị trường hiện chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.
Trong năm 2023, rất nhiều vấn đề mang tính nghịch lý trên thị trường vẫn còn tồn tại mà chưa tìm được cách xử lý. Phân khúc bất động sản cần thiết thì không có cung, phân khúc vượt quá khả năng tài chính của người dân thì lại dư thừa, tồn kho. Đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội, nơi cháy hàng, nơi lại ế chỏng chơ. Chưa kể thị trường còn xảy ra thực tế ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn...
Tuy khó khăn vẫn còn đó, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nếu so với đầu năm thì những tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực rất rõ nét. Hiện tượng tăng cung cho thị trường rõ ràng xuất hiện nhiều hơn. Các dự án đưa ra đều có dấu hiệu tái cấu trúc sản phẩm và mức giá điều chỉnh tương đối sát thị trường nên giao dịch thực tế tăng lên. Trong đó, đa số giao dịch đến từ căn hộ chung cư, còn phân khúc đất nền giao dịch ít do giá cả chưa điều chỉnh mạnh.
![]() |
Nhiều dự án mới triển khai và ra hàng, điều này đã tạo động lực lớn cho thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn trong những năm tới. |
Theo các chuyên gia dự báo, các yếu tố đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2024 như khó khăn về dòng tiền và áp lực trả nợ trái phiếu của các chủ đầu tư, thanh khoản thấp, tâm lý người mua bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thị trường nhà ở dự kiến sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ các nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và minh bạch hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đến nay, chính sách điều hành của Chính phủ đang từng bước phát huy hiệu quả, điều chỉnh thị trường bất động sản về vùng ổn định. Trong đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Điều này cho thấy, dù vẫn còn những khó khăn nhất định, song với các thông tin tích cực từ chính sách vẫn hứa hẹn sẽ tạo chuyển biến lớn cho thị trường bất động sản. Những yếu tố tích cực này sẽ giúp "sức khỏe" của các doanh nghiệp tốt hơn, thị trường dần hồi phục.
Dự báo từ năm 2024, nguồn cung được phục hồi dần và kỳ vọng là động lực lớn cho thị trường bất động sản sôi động hơn trong những năm tới. Ở khía cạnh phát triển dự án, nếu các chủ đầu tư có thể triển khai các dự án đúng tiến độ, có giá bán hợp lý và pháp lý minh bạch thì sẽ có thể thu hút người mua và giúp thanh khoản của thị trường phục hồi dần.
Có thể nói, năm 2024 dù còn nhiều khó khăn đối với ngành bất động sản Việt Nam, nhưng cũng đan xen nhiều cơ hội mới. Những yếu tố tích cực thúc đẩy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư bất động sản.