Hàng Việt nâng chất lượng vì quyền lợi người tiêu dùng
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của cá nhân, doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tẩy rửa, Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội (Haso) tiền thân là Nhà máy Xà phòng Hà Nội được thành lập từ năm 1960, hiểu rõ về quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, công ty luôn xác định, doanh nghiệp luôn phải sản xuất kinh doanh lành mạnh, từ chính mục tiêu tạo ra những sản an toàn vì sức khỏe của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp đang gây dựng. Haso cương quyết không vì lợi nhuận mà tạo ra các sản phẩm không an toàn.
Thực tế hiện nay, không ít doanh nghiệp đã nhận thức được rằng, để song hành lâu dài cùng người tiêu dùng thì việc “cho đi” thật lòng trước khi nhận lại là một phần không thể thiếu trong đạo đức kinh doanh, đây được coi như một chiến lược kinh doanh hiệu quả cần chú trọng.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng phải được biểu hiện trên các phương diện, đó là, đảm bảo phẩm cấp, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ khi đưa ra thị trường; minh bạch hóa thông tin, giúp người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của họ.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm định hướng để người tiêu dùng sử dụng hiệu quả sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; cảnh báo cho khách hàng biết về những sản phẩm không đạt yêu cầu về độ an toàn hay không đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang hiện hữu trên thị trường.
Bên cạnh việc thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, tại nhiều địa phương trên cả nước còn tổ chức nhiều hoạt động hướng đến người tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Tiêu biểu là Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" do UBND thành phố Hà Nội tổ chức thường niên đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng của thành phố trong đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Hơn hết, cùng với việc nâng cao chất lượng hàng hoá, thời gian qua, Hà Nội còn liên tục mở rộng mạng lưới phân phối để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Sở Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.
Có thể thấy, người tiêu dùng được coi là bên yếu thế, nên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tất yếu và qua đó cũng bảo vệ doanh nghiệp chân chính. Khi chất lượng sản phẩm được đảm bảo, cùng với việc mở rộng mạng lưới phân phối, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hàng Việt đã ngày càng đến gần hơn với người tiêu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau gần 15 năm thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam, đến nay, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60-96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để Người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam, thì hàng Việt Nam cần thuyết phục người Việt Nam, có như vậy mới đưa cuộc vận động phát triển bền vững như mong đợi. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hãy đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.