Vượt thách thức, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam
Năm 2022, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã mang về 47 tỷ USD, chiếm 12,9% trong tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, song thực tế, chúng ta có khoảng 80% sản lượng nông sản chưa có thương hiệu, logo hay nhãn mác riêng nên chưa thể tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn hết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, và đã có nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU đã mở ra thông qua các hiệp định thương mại đa phương và song phương thì việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vô cùng quan trọng. Bởi chỉ khi có thương hiệu nông sản mới có giá trị và đem lại nguồn thu cho đất nước, doanh nghiệp và người dân tham gia chuỗi sản xuất này.
Trên thực tế, hiện nay mới chỉ có 20/124 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đạt thương hiệu quốc gia. Số lượng doanh nghiệp có thương hiệu đã ít mà chính sách bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài còn bất cập. Nhiều thương hiệu Việt Nam như ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột… vẫn chưa được bảo vệ và còn bị xâm phạm.
![]() |
Có khoảng 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu thấp |
Ngoài ra, nông sản Việt Nam chưa được định vị ở phân khúc giá trị cao do liên quan đến năng lực chế biến, bảo quản và logictisc. Có khoảng 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu thấp.
Là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, trong đó có xuất khẩu sang thị trường EU, câu chuyện đưa được gạo với thương hiệu riêng vào EU của Lộc Trời là một trong những câu chuyện điển hình về nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng thương hiệu.
Đối với mặt hàng hồ tiêu và gia vị khi đi ra thị trường thì song song với câu chuyện thương hiệu còn phải gắn với câu chuyện thị trường và chất lượng bởi vì EU là một thị trường tương đối khó tính và liên tục cập nhật các vấn đề về kiểm soát chất lượng.
Theo đó, các doanh nghiệp phải hướng đến phương thức hợp tác một cách chặt chẽ hơn, có cam kết trong thời gian ổn định trong một thời gian dài cùng với đó là các tiêu chí về môi trường, phát triển bền vững. Tín hiệu đáng mừng là hiện Việt Nam vẫn là thị trường cung các mặt hàng hồ tiêu và gia vị chính cho EU (chiếm tới 45% thị phần).
Đề cập đến việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, bà Hoàng Thị Liên cho rằng, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho từng doanh nghiệp thì trước hết cần phải xây dựng được thương hiệu quốc gia.
Trong bối cảnh mở rộng thị trường, Việt Nam đang mở được nhiều cánh cửa thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU qua các hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương. Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - cũng đã chính thức mở cửa cho nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam, nhưng đòi hỏi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu cao hơn.
Vì vậy, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt là điều cấp bách hơn bao giờ hết. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần phải đầu tư một cách bài bản.
Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.
Và rõ ràng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp, người dân.
Song song với đó, cần thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản... Như vậy, mới có thể xây dựng được thương hiệu tăng giá trị của nông sản Việt trên trường quốc tế.