Hà Nội trao chứng nhận danh hiệu 15 làng nghề và 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao
Ngày 12/4, TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận danh hiệu 15 làng nghề và 104 chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023.
![]() |
Hà Nội trao chứng nhận danh hiệu 15 làng nghề và 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.
Riêng năm 2023, thành phố Hà Nội đã công nhận 15 làng nghề, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Đồng thời, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch thành phố giao (400 sản phẩm). Trong đó, có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh).
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp định hướng: “Các đơn vị, doanh nghiệp và chủ thể OCOP cần xây dựng một chiến lược tiếp thị toàn diện để quảng bá sản phẩm OCOP đến đối tượng khách hàng mục tiêu. Bên cạnh việc giới thiệu phát triển sản phẩm truyền thống qua các sự kiện quảng cáo và triển lãm, hợp tác với các đối tác phân phối và bán lẻ... cần quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử như: Tiktok, Shopee, Lazada,...”
Dự báo về kết quả đạt được trong năm 2024, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết: “Năm 2024, dự kiến sẽ có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và đa dạng của các sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội. Việc này có thể đạt được thông qua các chính sách hỗ trợ, chương trình đào tạo và tư vấn cho các làng nghề và doanh nghiệp, cũng như sự nỗ lực của cộng đồng và doanh nghiệp địa phương trong việc phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường”.
Sự kiện này không chỉ là dịp để tôn vinh và khích lệ các làng nghề và doanh nghiệp sản xuất, mà còn là cơ hội để quảng bá và tiếp thị các sản phẩm địa phương ra thị trường nội địa và quốc tế.