Điểm tin nóng thế giới 29/10: Ukraine thiệt hại nặng nề tại Kursk; Iran tuyên bố ‘trả đũa’ Israel
Nga áp đảo hoàn toàn tại Kursk, “hạ” hơn 27.000 lính Ukraine
Theo hãng thông tấn TASS, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin hôm 28/10 (theo giờ địa phương), lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 350 quân nhân và bảy xe bọc thép trong ngày qua tại khu vực Kursk.
Quân đội Nga cũng đã đẩy lùi bảy cuộc phản công của quân đội Ukraine nhằm vào các khu định cư Kremyanoye, Nizhny Klin và Novoivanovka trong ngày qua.
Kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bắt đầu giao tranh ở Vùng Kursk, Kiev đã mất hơn 27.530 quân nhân, 177 xe tăng, 98 xe chiến đấu bộ binh, 106 xe bọc thép chở quân, 1.020 xe chiến đấu bọc thép, 710 xe cơ giới, 236 khẩu pháo, 40 bệ phóng tên lửa đa nòng, bao gồm mười một hệ thống HIMARS và sáu hệ thống MLRS do Mỹ sản xuất, chín bệ phóng tên lửa phòng không, bảy xe vận chuyển và nạp đạn, 57 trạm radar, mười một radar chống pháo, ba radar phòng không, 23 thiết bị kỹ thuật và thiết bị khác, bao gồm 13 xe vượt chướng ngại vật và một xe rà phá bom mìn UR-77, ba xe sửa chữa và phục hồi bọc thép, cũng như một xe chỉ huy và tham mưu.
Xung đột leo thang: Iran tuyên bố trả đũa Israel
Ngày 28/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmaeil Baghaei cho biết Tehran sẽ "đáp trả kiên quyết và hiệu quả" các cuộc không kích của Israel vào các địa điểm quân sự cuối tuần qua gây thương vong.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, ông Baghaei nhấn mạnh: "Chúng tôi đang sử dụng mọi biện pháp có sẵn để đáp trả kiên quyết và hiệu quả.”
Trước đó, ngày 26/10, Israel đã không kích vào các địa điểm quân sự ở Iran để đáp trả cuộc tấn công ngày 1/10 của Tehran vào Israel, tiếp nối các hành động trả đũa lẫn nhau. Ít nhất 4 binh sỹ và 1 thường dân đã thiệt mạng.
Ông Baghaei cũng lên án việc Israel "lạm dụng" không phận Iraq để tấn công vào Iran.
Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza đã lan rộng trong những tuần gần đây, sang khu vực biên giới phía Bắc Israel, nơi quân đội nước này tấn công lực lượng Hezbollah ở Liban.
Ông Baghaei cho biết lệnh ngừng bắn ở Gaza và Liban vẫn là "mục tiêu" của Iran. Ông hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra lập trường "quyết đoán và cứng rắn" liên quan đến cuộc tấn công.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an sẽ nhóm họp trong ngày 28/10 về các cuộc không kích của Israel.
Ông Trump hứa không cử quân Mỹ tham gia xung đột ở nước ngoài nếu tái đắc cử
Tuần cuối cùng trước thềm bầu cử Mỹ 2024, phát biểu tại một buổi mít tinh vận động tranh cử ở bang chiến địa Pennsylvania cuối tuần qua, cựu Tổng thống Trump tuyên bố ông là người duy nhất có khả năng ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu, đồng thời quả quyết đối thủ đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Kamala Harris chắc chắn "sẽ đưa tất cả vào Thế chiến thứ 3” nếu lên nắm quyền ở Nhà Trắng.
“Việc đưa bà ấy (Harris) lên làm tổng thống sẽ giống như đánh cược với mạng sống của hàng triệu người. Những chàng trai và cô gái của chúng ta sẽ phải nhập ngũ để chiến đấu trong cuộc xung đột ở một quốc gia mà cácc bạn chưa từng nghe đến”, ông Trump bày tỏ.
Ông Trump phát biểu tại 1 cuộc vận động tranh cử (Ảnh: AFP) |
Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào đầu năm nay, ông Trump đã hứa sẽ “chấm dứt mọi cuộc khủng hoảng quốc tế do chính quyền đương nhiệm tạo ra”, đặc biệt là các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza. Chính khách này chưa bao giờ đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm mang lại hòa bình thế giới, nhưng liên tục cảnh báo, bằng cách tài trợ cho “các cuộc xung đột của người khác” dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden và “phó tướng” Harris, Mỹ đang làm tăng nguy cơ bùng phát thế chiến thứ 3.
Theo đài RT, tuần trước, ông Trump phát biểu trên mạng xã hội Truth Social: “Nếu bà Harris có thêm 4 năm nữa, Trung Đông sẽ chìm trong biển lửa trong bốn thập kỷ tiếp theo và con cái của các bạn sẽ phải ra trận”. Phát biểu trước đám đông ngày 26/10, ông Trump hứa sẽ không điều động quân đội nước này tham gia vào xung đột ở nước ngoài.
Ông Trump nhiều lần khẳng định sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, thậm chí trước cả khi tuyên thệ nhậm chức, bằng cách buộc cả hai bên phải đàm phán. Tuy nhiên, bà Harris đã chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump, lập luận rằng về cơ bản ông sẽ buộc Kiev phải đầu hàng.
Nga cũng tỏ ra hoài nghi về lời hứa hòa bình của ông Trump. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tin không có “cây đũa thần" có thể ngăn chặn giao tranh chỉ sau một đêm.
Nga đứng đầu bảng xếp hạng lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới
Theo Sputnik, tạp chí US News and World Report xếp Nga là quốc gia có lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới năm 2024. Trong khi đó, vào năm 2023, bảng xếp hạng sức mạnh quân sự của Global Firepower xếp quân đội Nga ở vị trí thứ hai sau quân đội Mỹ.
Xếp ngay sau đó là quân đội Mỹ và quân đội Israel. Đứng thứ 4 và thứ 5 trong xếp hạng này là Trung Quốc và Hàn Quốc, những nước liên tục tăng cường lực lượng quân đội trong những năm gần đây. Tiếp đến là Iran xếp vị trí thứ 6 và Anh xếp vị trí thứ 7.
Dù gặp khó khăn, nhưng Ukraine vẫn đứng ở vị trí thứ 8, phản ánh những nỗ lực đáng kể trong việc tăng cường lực lượng vũ trang của nước này. Hai nước còn lại trong top 10 là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Danh sách trên còn có nhiều quốc gia tiềm năng quân sự đáng kể, bao gồm Pháp, Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt được xếp ở vị trí thứ 11, 14 và 16.
Ngoài những cường quốc quân sự lớn, bảng xếp hạng của tạp chí US News and World Report cũng có sự góp mặt của những nước sở hữu sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chiến lược tăng lên đáng kể như Serbia đứng thứ 18 và Kazakhstan đứng thứ 22.
Bảng xếp hạng của tạp chí US News and World Report đánh giá về sức mạnh quân sự của nhiều nước dựa trên sự kết hợp các chỉ số, bao gồm số lượng binh sỹ, trình độ công nghệ vũ khí cũng như nguồn lực kinh tế và chiến lược.
Hồi tháng 4, Tướng Christopher G. Cavoli cho biết sức mạnh của quân đội Nga không những không suy giảm mà còn tăng hơn so với trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Điều này phần lớn nhờ vào những nỗ lực xây dựng lại lực lượng vũ trang của Nga và được bổ sung thêm đạn dược, tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và UAV từ Iran.
Về lâu dài, Nga đang nỗ lực phát triển năng lực tác chiến trên phạm vi toàn cầu. Nga đã đổ nguồn lực vào lực lượng hạt nhân và cũng tìm cách mở rộng lực lượng mặt đất trong những năm tới.