Điểm tin nóng thế giới 22/10: Ukraine ‘choáng váng' tại Kharkov; sắp hoà bình tại Trung Đông?
Nga phá huỷ vũ khí NATO, đẩy mạnh tấn công khắp các mặt trận
Theo hãng thông tấn TASS, trong ngày 21/10, Nga đã tiến hành các đợt không kích mới nhằm vào cơ sở năng lượng, sân bay quân sự và xưởng sản xuất UAV của Ukraine trong vòng 24 giờ qua. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công này đã làm gián đoạn hoạt động của quân đội Ukraine, đồng thời phá hủy nhiều vị trí trọng yếu, bao gồm khu vực tập trung lính đánh thuê nước ngoài và kho vũ khí tại 127 địa điểm.
Tại Kharkov, nhóm tác chiến Phương Bắc của Nga đã tiêu diệt 55 binh sĩ Ukraine, phá hủy hai xe cơ giới và một lựu pháo D-30 cỡ 122mm. Lực lượng này đã tấn công vào các lữ đoàn bộ binh cơ giới và phòng thủ lãnh thổ của Ukraine gần các địa phương Maliye Prokhody, Verkhnyaya Pisarevka và Volchansk.
Cùng với đó, nhóm tác chiến Phương Tây gây thiệt hại nặng cho đối phương với 350 binh sĩ Ukraine tử trận. Nga cũng phá hủy ba kho đạn và một số khí tài, bao gồm lựu pháo M777 và M119 của Mỹ.
Trong các trận chiến căng thẳng, nhóm tác chiến Phương Nam đã đẩy lùi hai cuộc phản công và tiêu diệt 720 quân Ukraine. Các cuộc tấn công diễn ra tại nhiều địa phương như Seversk, Ivano-Daryevka và Kurakhovo khiến các đơn vị Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới, bộ binh và đổ bộ đường không chịu thiệt hại nặng. Nga cũng cho biết, đã phá hủy thêm hệ thống pháo Krab của Ba Lan và FH70 của Anh.
Nhóm tác chiến Trung Tâm đã loại khỏi vòng chiến hơn 430 binh sĩ Ukraine, phá hủy nhiều trang thiết bị, bao gồm hai xe chiến đấu Bradley và một xe bọc thép M1117 của Mỹ. Ngoài ra, lực lượng này còn đẩy lùi 14 cuộc phản công từ các đơn vị tấn công của Ukraine.
Nhóm Phương Đông cũng cải thiện vị trí phòng thủ và tiêu diệt 90 binh sĩ Ukraine gần Rovnopol và Dobrovolye. Ukraine mất thêm hai hệ thống pháo tự hành Bogdana và Krab.
Như vậy, các phương diện quân của Nga đã tiêu diệt gần 1700 sinh lực của quân Ukraine, đồng thời cũng phá huỷ nhiều khí tài quân sự mà Ukraine mới được viện trợ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga cho biết đã tiêu diệt 646 máy bay, 283 trực thăng, hơn 34.000 UAV, 18.743 xe bọc thép và gần 16.500 khẩu pháo của Ukraine.
Binh sĩ Ukraine ở vùng Kursk của Nga. Ảnh: Cepa |
Israel nêu điều kiện với Mỹ về chấm dứt chiến tranh tại Lebanon
Theo Reuters, ngày 21/10, Israel đã gửi cho Mỹ một tài liệu trong đó liệt kê các điều kiện của nước này nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến tại Lebanon. Thông tin này được xác nhận bởi hai quan chức Mỹ và hai quan chức Israel.
Một trong những yêu cầu chủ chốt của Israel là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phải được phép thực hiện các biện pháp "kiểm soát chủ động" nhằm đảm bảo Hezbollah không thể tái trang bị vũ khí hoặc tái xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới giữa hai nước. Điều này cho thấy Israel muốn duy trì sự hiện diện quân sự và giám sát thường xuyên tại khu vực nhạy cảm này.
Ngoài ra, Israel còn yêu cầu quyền tự do hoạt động cho lực lượng không quân trong không phận Lebanon, đảm bảo rằng các hoạt động không kích và do thám sẽ không bị hạn chế.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng khó có khả năng Lebanon và cộng đồng quốc tế sẽ chấp nhận các điều kiện này. Các yêu cầu của Israel được cho là quá nghiêm ngặt và có thể làm phức tạp thêm nỗ lực hòa giải trong khu vực vốn đã bất ổn.
Đến thời điểm hiện tại, Nhà Trắng chưa đưa ra phản hồi trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này. Cùng lúc, các đại sứ quán của Israel và Lebanon tại Washington vẫn giữ im lặng trước những câu hỏi từ giới truyền thông.
Tờ Reuters cũng cho hay, ông Amos Hochstein, đặc phái viên của Nhà Trắng dự kiến sẽ tới Beirut vào thứ Hai để thảo luận các biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột. Sứ mệnh của Hochstein được xem là nỗ lực quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng giữa các bên và tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng với điều kiện cứng rắn từ phía Israel, tiến trình này hứa hẹn gặp không ít trở ngại.
Bà Harris giành lợi thế trước ông Trump trong vấn đề kinh tế
Theo The Guardian, một cuộc khảo sát do Associated Press-NORC Center for Public Affairs Research công bố ngày 21/10 đã chỉ ra rằng Phó Tổng thống Kamala Harris được đánh giá cao hơn cựu Tổng thống Donald Trump, mặc dù chưa thể xác định liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không.
Theo khảo sát, bà Harris nhận được sự ủng hộ tích cực hơn từ các cử tri độc lập, nhóm cử tri có thể quyết định kết quả tại bảy bang chiến địa. Đáng chú ý, ông Trump không còn giữ được lợi thế mà ông từng có trong việc xử lý các vấn đề kinh tế, dù cựu Tổng thống đã xác định đây là trung tâm trong chiến dịch của mình, với các cáo buộc rằng chính sách của đảng Dân chủ đã đẩy giá cả lên cao. Đây là một trong hai thông điệp chính của ông Trump bên cạnh lời hứa về việc siết chặt kiểm soát đối với người di cư.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng ý kiến của cử tri đã đăng ký không có nhiều thay đổi so với tháng trước. Bà Harris và người đồng hành Tim Walz được nhìn nhận tích cực hơn so với ông Trump và JD Vance. Phần lớn cử tri đảng Dân chủ có cái nhìn tích cực về bà Harris và Walz, trong khi cử tri đảng Cộng hòa chủ yếu ủng hộ ông Trump và Vance. Các cử tri độc lập có quan điểm chia rẽ về bà Harris, nhưng hầu hết đều có cái nhìn tiêu cực về ông Trump và họ cũng có ý kiến tương tự về hai ứng cử viên Phó Tổng thống.
Khi nói đến các vấn đề kinh tế, 40% cử tri đã đăng ký bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của bà Harris trong việc xử lý chi phí thực phẩm và xăng dầu, so với 42% dành cho ông Trump. Sáu phần trăm cử tri tin tưởng cả hai ứng cử viên như nhau, trong khi 12% không tin tưởng vào ai. Về chi phí nhà ở, bà Harris nhận được sự ủng hộ cao hơn với 42% so với 37% dành cho ông Trump, trong khi 7% tin tưởng cả hai và 14% không tin tưởng vào ai.