Điểm nóng 24h ngày 7/10: Vụ Vạn Thịnh Phát ‘cực kỳ phức tạp’
Vụ Tân Hoàng Minh đã giải quyết gần xong, vụ Vạn Thịnh Phát 'cực kỳ phức tạp'
Ngày 7/10, tại cuộc họp báo quý 3/2024 của Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin về công tác thi hành án dân sự đối với một số vụ án lớn, trong đó có vụ Vạn Thịnh Phát.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết trong vụ án Tân Hoàng Minh, đến nay cơ quan thi hành án đã giải quyết xong 6.407 hồ sơ thi hành án trên tổng số 6.630 bị hại. Tổng số tiền đã chi trả là 8.547 tỉ đồng trên tổng số 8.644 tỉ đồng phải thi hành.
Các bị cáo trong các vụ án nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua. Ảnh: Danh Trọng |
Đối với vụ án liên quan Tập đoàn FLC, tháng 8 vừa qua TAND TP. Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm, hiện ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch tập đoàn và một số bị cáo khác đã có đơn kháng cáo. Cơ quan thi hành án đang theo sát diễn biến tố tụng, khi bản án có hiệu lực thi hành sẽ tổ chức thi hành án theo quy định, cố gắng đạt kết quả cao nhất.
Riêng với vụ án Vạn Thịnh Phát, ông Lợi đánh giá đây là vụ việc cực kỳ phức tạp, với giá trị tiền và số lượng trái chủ là bị hại rất lớn.
Để công tác thi hành án đạt hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm từ vụ Tân Hoàng Minh và một số vụ án tham nhũng, kinh tế khác, ông Lợi cho rằng ngoài chỉ đạo từ phía tổng cục, các cục thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Việc phối hợp tập trung vào các nội dung tiếp nhận vật chứng, rà soát nội dung cáo trạng cũng như bản án, để kịp thời phát hiện, tháo gỡ vướng mắc nếu có.
Ngoài ra, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tiến hành rà soát, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc thụ lý; tổ chức thi hành án ngay khi bản án có hiệu lực, ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức thi hành án (hiện đã có dự thảo), xác định rõ trách nhiệm, từ khâu ra quyết định thi hành án, thông báo thi hành án, thẩm định giá, bán đấu giá…
Theo số liệu từ Bộ Tư pháp, năm 2024 các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 621.568 việc, tăng 45.901 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,86% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023.
Về tiền, đã thi hành xong hơn 117.349 tỉ đồng, tăng hơn 27.843 tỉ đồng (tăng 31,11%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 51,46%, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 việc, với hơn 22.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thắng Lợi đánh giá, kết quả thi hành án dân sự trong năm qua đạt cao nhất từ trước đến nay, đồng đều ở các loại án, từ án tín dụng, ngân hàng đến án tham nhũng, kinh tế.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng, để đạt được kết quả trên, một phần đến từ việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy định nhằm phù hợp với thực tiễn. Cơ quan thi hành án cũng đã bổ sung nguồn lực, từ cơ sở vật chất đến con người cho công tác này.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Đỗ Xuân Quý, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, cho biết Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức, thi hành các vụ án, vụ việc lớn, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2024 và giao chỉ tiêu thi hành án năm 2025.
Quảng Bình: Hơn nửa tấn pháo hoa bị bắt giữ tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo
Ngày 7/10, tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, đơn vị vừa phối hợp với cơ quan hải quan, công an bắt giữ một tài xế có hành vi vận chuyển pháo trái phép với số lượng lớn.
Đối tượng bị bắt là Vũ Đức Dương (SN 1985), trú xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Quá trình điều khiển xe đầu kéo mang biển số 34H-037.52, kéo theo rơ-moóc biển kiểm soát 34R-049.81, nhập cảnh từ Lào về Việt Nam, Dương bị cơ quan chức năng phát hiện chở theo 555kg pháo hoa nổ.
Dương khai nhận vì lợi nhuận cao nên đã vận chuyển số pháo trên từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ tang vật và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Minh Hóa (Quảng Bình) điều tra, xử lý theo quy định.
6 trận động đất trong chưa đầy 1 giờ ở Kon Tum
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vừa phát đi thông báo 6 trận động đất liên tiếp chỉ trong chưa đầy 1 giờ. Các trận động đất này xảy ra ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, nối dài vào những trận động đất liên tiếp trong những ngày qua tại đây.
Trận động đất đầu tiên trong ngày 7/10 xảy ra lúc 00 giờ 45 phút 49 giây với độ sâu khoảng 8.1 km, độ lớn 2.9. Trận động đất thứ hai xảy ra lúc 1 giờ 19 phút 47 giây, độ sâu, khoảng 8.1 km, độ lớn 3.5. Trận thứ 3 xảy ra lúc 1 giờ 37 phút 06 giây với độ sâu khoảng 8.1 km, độ lớn 3.2. Trận động đất thứ tư xảy ra lúc 1 giờ 37 phút 40 giây với độ sâu khoảng 8.1 km, độ lớn là 3.1
Trận động đất thứ năm xảy ra lúc 1 giờ 38 phút 13 giây, độ sâu khoảng 8.1 km, độ lớn 2.7. Trận động đất thú sáu xảy ra lúc 1 giờ 39 phút 33 giây, độ sâu khoảng 8.1 km, độ lớn 2.6, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 0.
Gần đây nhất, ngày 5/10, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đo được trận động đất có độ lớn 4,1 độ richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14,895 độ vĩ Bắc, 108,191 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.
Sau đó hơn 1 phút, một trận động đất khác có độ lớn 3,5 độ richter cũng xảy ra tại vị trí có tọa độ 14,890 độ vĩ Bắc, 108.197 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Đến 17h32 cùng ngày, trận động đất có độ lớn 3,3 độ richter, độ sâu chấn tiêu 8,1km tiếp tục xảy ra tại vị trí trên.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, thời gian gần đây, ở Việt Nam có những hoạt động xảy ra động đất kích thích do hiện tượng tích nước ở các hồ chứa ở Kon Tum. Các quan trắc cho thấy, những trận động đất ở các khu vực này có độ lớn dưới M<5. Cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0. Tuy nhiên, các cơ quan vẫn đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để đưa ra các cảnh báo phù hợp.
Nam Định: Bắt giữ 5 tàu khai thác cát trái phép tại khu vực ven biển
Ngày 7/10, Đại tá Nguyễn Văn Chiêu, Thủy đoàn trưởng, Thủy đoàn I, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đơn vị vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Nam Định bắt giữ 5 tàu khai thác cát trái phép tại khu vực ven biển thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định).
Cụ thể, từ khoảng 21h10 đến 22h15 ngày 6/10, tổ công tác của Thủy đoàn I bí mật làm nhiệm vụ tại khu vực cửa Ba Lạt (xã Giao Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã phát hiện 5 tàu khai thác cát trái phép tại khu vực ven biển thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định). Tại thời điểm kiểm tra, có 28 thuyền viên. Các phương tiện này chủ yếu khai thác cát bằng hình thức kéo rùa lên 2 khoang chở hàng của phương tiện.
Khi kiểm tra, những người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản (cát) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số cát chứa trên khoang chở hàng của phương tiện. Không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên đến phương tiện và bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; không biết được vị trí tàu đang khai thác cát có được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không.
Tổ công tác Thủy đoàn I đã yêu cầu các phương tiện dừng hoạt động; tiến hành lập biên bản vụ việc; lập biên bản xác định vị trí và đo đạc, lấy mẫu; lấy lời khai của những người có liên quan; củng cố hồ sơ ban đầu và hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.
Quảng Ninh: Khởi tố 7 cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường
Ngày 7/10, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, Cơ quan CSĐT địa phương này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với 7 bị can thuộc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN&MT để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số này, 3 người bị bắt tạm giam, gồm Bùi Văn Trung, Trưởng phòng Quan trắc và môi trường; Trần Lê Tuấn, Phó Trưởng phòng Hành chính; Nguyễn Ngọc Biển, Trưởng phòng Quản lý hệ thống quan trắc môi trường tự động
4 người bị cấm đi khỏi nơi cư trú, gồm: Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Thành Hưng, Đoàn Hải Sơn, và Trần Hoàng Nam - đều là nhân viên, viên chức Phòng Quản lý hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Các lệnh, quyết định tố tụng trên đã được VKSND tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.
Thông tin về kết quả xác minh ban đầu, Công an Quảng Ninh cho biết từ năm 2018 đến năm 2023, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, 7 bị can này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác tuyển dụng, sử dụng người lao động, làm trái công vụ, lập khống các hợp đồng dịch vụ bảo vệ tại 19 trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh, gây thất thoát số tiền lớn cho ngân sách nhà nước.
Bước đầu những người này đã tự nguyện giao nộp gần 1,7 tỉ đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.