Chiến sự Nga-Ukraine tối 8/11: Nga chưa vội kết thúc chiến sự; Ông Zelensky lên tiếng về hoà bình
Ông Trump chưa thể kết thúc chiến sự Nga-Ukraine ngay lập tức?
Giới chức Nga khẳng định họ không quan tâm lắm đến việc ai sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 này. Xung đột Ukraine do vậy sẽ không dễ dàng chấm dứt sớm dưới sức ép từ chính trị gia Mỹ Donald Trump, người vừa đánh bại đối thủ Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ứng viên Tổng thống đắc cử Donald Trump đã từ lâu tuyên bố sẽ chấm dứt mau chóng xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán. Nay ông đã thắng cử trong cuộc bầu cử Mỹ 2024, một câu hỏi được đặt ra là liệu xung đột Ukraine sẽ kết thúc nhanh chóng hay không.
Giới phân tích nhận định rằng Nga có thể thu được nhiều lợi ích hơn nếu tiếp tục duy trì xung đột này.
Cựu Tổng thống Trump chỉ trích những gói viện trợ mà Tổng thống Mỹ Biden gửi cho Ukraine. Ông Trump cũng nghi vấn hiệu quả các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Nga.
Phó tướng Vance trong liên danh tranh cử với ông Trump cũng đã vạch ra kế hoạch chấm dứt xung đột Ukraine một khi ông Trump nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ 2, trong đó có nội dung thiết lập một “khu phi quân sự” trên các vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát.
Cả hai ông Trump và Vance đều đặt dấu hỏi về cam kết của Mỹ đối với khối quân sự NATO.
Những động thái này được cho là sẽ khiến Nga tự tin hơn trong cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters). |
Mặc dù việc ông Trump trúng cử Tổng thống Mỹ có thể giúp ích nhất định cho Nga, giới chuyên gia vẫn tin rằng quy mô xung đột vũ trang Ukraine là quá lớn nên Moscow và Kiev sẽ khó đạt được một quá trình đàm phán đơn giản. Theo họ, xung đột ở đây về thực chất là cuộc đối đầu trên diện rộng hơn giữa Nga và phương Tây.
Trong khi đó, các điều khoản mà Tổng thống đắc cử Donald Trump nhắm tới để trung gian hòa giải cho hòa bình tại Ukraine hiện nay là khá chung chung và không rõ ràng, nên người ta cho rằng ông Trump sẽ khó lòng thay đổi được chính sách của Nga đối với Ukraine.
Tổng thống Putin: 15.000 lính Ukraine mắc kẹt, Kiev thiệt hại kỷ lục ở Kursk
Hãng thông tấn TASS đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khoảng 15.000 quân Ukraine đã bị quân đội Nga chặn lại ở hai khu vực theo hướng Kupyansk.
"Tôi không biết quân đội của chúng ta đã thông báo hay chưa, nhưng có hai khu vực theo hướng Kupyansk nơi quân đội Kiev bị chặn. Một khu vực thực tế đang bị bao vây. Khoảng 10.000 quân Ukraine bị chặn trên bờ một hồ chứa nước. Ở một khu vực khác gần Kupyansk, khoảng 5.000 quân bị chặn", Tổng thống Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận Valdai hôm thứ Năm.
"Họ đã bị bao vây và đang cố gắng tạo ra các cầu phao để di tản ít nhất một số quân lính, nhưng họ đã bị pháo binh của chúng tôi tiêu diệt ngay lập tức", ông nói thêm.
"Ngoài ra còn có hai hoặc ba khu vực mà Kiev bị chặn trong khu vực chịu trách nhiệm của nhóm chiến đấu Trung tâm", ông nói. "Chắc chắn có hai khu vực tại thời điểm này, và có thể khu vực thứ ba sẽ sớm xuất hiện".
"Quân đội Ukraine chắc chắn nhận thức được những diễn biến này, nhưng các quyết định được đưa ra ở cấp độ chính trị không nhằm mục đích mang lại lợi ích cho nhà nước Ukraine, chứ chưa nói đến người dân Ukraine", nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Mặt khác, theo Tổng thống Putin, Kiev cũng mất khoảng hơn 30.000 quân ở Vùng Kursk của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin ước tính thiệt hại của Ukraine trong cuộc tấn công vào Vùng biên giới Kursk của Nga là hơn 30.000 quân.
"Lực lượng vũ trang Nga đã vượt biên vào Vùng Kursk, nhưng tổn thất của họ là rất lớn. Trong hơn ba tháng giao tranh, họ đã mất hơn 30.000 quân - nhiều hơn tổng số tổn thất của Kiev trong cả năm 2023", Tổng thống phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận Valdai hôm thứ Năm.
Cùng lúc đó, Ukraine mất ít xe tăng hơn - "khoảng 200 chiếc, so với 240 chiếc bị mất vào năm ngoái".
"Họ chỉ đơn giản là có ít xe tăng hơn, nên tổn thất của họ cũng giảm. Họ chỉ đơn giản là sử dụng chúng ít thường xuyên hơn", Tổng thống Putin giải thích.
Tổng thống Ukraine lên tiếng về vấn đề hoà bình với Nga
Theo Kyiv Independent ngày 7/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Budapest, Hungary, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh châu Âu phải thể hiện sự đoàn kết và áp dụng cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" để đối mặt với sự ảnh hưởng từ Nga và các đồng minh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tập trung tại Budapest trong bối cảnh ngày càng có nhiều vấn đề đặt ra về chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự ủng hộ của đồng minh dành cho Ukraine và an ninh châu Âu.
Người ta lo ngại rằng Tổng thống mới của Mỹ có thể giảm sự ủng hộ dành cho Kiev và tìm kiếm một thỏa thuận với Điện Kremlin bằng cách đánh đổi sự nhượng bộ của Ukraine.
Nhắc lại cuộc điện đàm gần đây với ông Trump, Tổng thống Zelensky thừa nhận sự không chắc chắn về các hành động trong tương lai của Mỹ nhưng bày tỏ hy vọng về một "nước Mỹ mạnh mẽ hơn" mà châu Âu cần. "Không nên có ảo tưởng rằng có thể mua được một nền hòa bình công bằng bằng cách tỏ ra yếu đuối. Hòa bình chỉ là phần thưởng cho kẻ mạnh", ông Zelensky nói. Giới chức Ukraine đã tìm cách đưa ra góc nhìn tích cực về chiến thắng của ông Trump, bày tỏ hy vọng về một sức mạnh mới trong quá trình ra quyết định của Washington.
Nhà lãnh đạo Ukraine một lần nữa kêu gọi các đối tác châu Âu ủng hộ công thức hòa bình 10 điểm của Kiev nhằm chấm dứt chiến tranh, nhấn mạnh an ninh hạt nhân, năng lượng, lương thực và thả tù nhân là những bước đi quan trọng.
"Ukraine rất biết ơn mọi sự hỗ trợ từ các đối tác và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi ý tưởng mang tính xây dựng để đạt được nền hòa bình công bằng cho đất nước chúng tôi. Nhưng chính Ukraine phải quyết định điều gì nên và không nên đưa vào chương trình nghị sự", Tổng thống Zelensky bày tỏ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump tuyên bố rằng nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng "24 giờ". Điều này được ông ám chỉ một lần nữa trong bài phát biểu chiến thắng sau bầu cử ngày 6/11, khi nói với những người ủng hộ rằng "Tôi sẽ chấm dứt chiến tranh".
Tờ Wall Street Journal nhận định kế hoạch này có thể bao gồm việc hoãn việc Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ít nhất 20 năm, “đóng băng” chiến tranh trên các mặt trận hiện tại và thiết lập một khu vực phi quân sự ở phía Đông.