Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 5 giải pháp để Kon Tum khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng
Chiều 7/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã nhận thấy và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp (hiện chiếm gần 90% GRDP).
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước và cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực Công Thương tỉnh Kon Tum vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục.
Để ngành Công Thương phát triển và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Kon Tum chú trọng 5 giải pháp trọng tâm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã nhận thấy và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư |
Trước hết, tỉnh Kon Tum cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh (nếu cần), bảo đảm phù hợp, liên thông với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia. Rà soát, bổ sung Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn.
Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho Quy hoạch năng lượng và khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, như công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dược liệu theo chuỗi từ sản xuất, trồng thu hoạch, chế biến và phân phối, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chú trọng phát triển năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Kon Tum.
Có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh nhằm từng bước phát triển phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và các ngành công nghiệp có tính nền tảng, tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế địa phương
Chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các đối tượng liên quan tham gia thị trường hoán đổi chứng chỉ carbon, phát huy thế mạnh rừng và sản xuất nông nghiệp xanh của tỉnh.
Trong định hướng xuất khẩu phải chú ý đến quy định chống phá rừng của châu Âu. Với tỉnh Kon Tum có 3 mặt hàng chủ đạo bị ảnh hưởng bởi quy định này là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Thứ năm, đề nghị tỉnh chú trọng rà soát Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất đạt chuẩn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh tại buổi làm việc, bao gồm 7 kiến nghị chính thuộc các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và logistics..., Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Kon Tum sớm các văn bản gửi các đơn vị, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng tỉnh gỡ khó các khó khăn, vướng mắc để tỉnh phát triển hơn nữa trong thời gian tới.