Bầu cử Mỹ: Ông Donald Trump bất ngờ lật ngược thế cờ, vượt mặt bà Harris
Một cuộc khảo sát mới của tờ Wall Street Journal công bố hôm 23/10 (theo giờ địa phương), ông Donald Trump đang tạm thời dẫn trước bà Kamala Harris trong cuộc đua tranh cử, khi những thành tích cũ của ông Trump dần lấy lại thiện cảm từ cử tri.
Ông Trump vươn lên dẫn trước bà Harris
Kết quả khảo sát cho thấy ông Trump đang dẫn trước bà Harris 2 điểm phần trăm (47% so với 45%) Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn nằm trong sai số, cuộc cạnh tranh chưa ngã ngũ và bất kỳ ai cũng có thể bứt phá.
Diễn biến này đảo ngược cuộc thăm dò trước đó của The Wall Street Journal thực hiện vào cuối tháng 8 ngay sau Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. Thời điểm đó bà Harris nhận được 47% sự ủng hộ, còn tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump là 45%.
Hình ảnh của bà Harris ở thời điểm hiện tại đang bị lu mờ đáng kể. Những đánh giá tích cực từng dành cho bà sau khi thay thế ông Joe Biden làm ứng viên đảng Dân chủ nay đã suy giảm. So với tháng 8, tỷ lệ cử tri có ấn tượng tiêu cực về bà tăng mạnh, đạt 53%, trong khi chỉ 45% đánh giá tích cực. Đáng chú ý, trong ba cuộc thăm dò liên tiếp từ tháng 7, hơn 54% cử tri chỉ trích cách bà Harris thực hiện vai trò Phó Tổng thống, so với 42% tỏ ra ủng hộ.
Ngược lại, quan điểm về ông Trump trở nên tích cực hơn, với 48% người được hỏi cho biết có hảo cảm với ông so với 50% có quan điểm ngược lại. Vào cuối tháng 8, 53% người được hỏi nói rằng họ không thích ông Trump, 45% cho biết có quan điểm tích cực về ông.
Các cử tri cũng bày tỏ sự tin tưởng vào chương trình nghị sự của ông Trump, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Các chính sách của ông được ủng hộ nhiều hơn 10 điểm phần trăm so với nhóm phản đối. Trong khi đó, các đề xuất kinh tế của bà Harris nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Cuộc khảo sát diễn ra giữa lúc các chiến dịch đổ hàng trăm triệu USD vào quảng cáo, với mục tiêu tăng thiện cảm cho ứng viên trong mắt công chúng. Theo dữ liệu từ AdImpact, ông Trump và các đồng minh đã chi 378 triệu USD cho quảng cáo đa phương tiện kể từ sau đại hội đảng Cộng hoà vào cuối tháng 8, chủ yếu xoáy vào lập luận rằng bà Harris đang lãnh đạo đất nước theo cách quá tự do.
Đối lại, phe bà Harris đã chi mạnh tay hơn, với 625 triệu USD đầu tư cho quảng cáo, nhấn mạnh các thông điệp mang lại lợi ích cho cử tri. Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
"Giờ đây, cử tri đã biết bà ấy là ai", nhà thăm dò của đảng Cộng hòa David Lee nhận xét. "Nhưng kết quả không mấy khả quan. So với ông Trump, bà Harris đang gặp nhiều bất lợi hơn".
Ông Trump vươn lên dẫn trước bà Harris trong những tuần cuối cuộc bầu cử Mỹ 2024 |
Nếu đắc cử, chính sách thuế quan của ông Donald Trump có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Mỹ?
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể gây áp lực lên giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người dân Mỹ.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, ông Donald Trump đã liên tục đưa ra các đề xuất về việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài.
Cụ thể, nếu đắc cử, cựu Tổng thống cho biết ông sẽ tăng thuế 20% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tối thiểu 60% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, 100% đối với các quốc gia không sử dụng đồng Đô la trong giao dịch, và thậm chí là 2000% đối với ô tô sản xuất tại Mexico.
Theo phân tích của NBC News, các chính sách thuế quan này nhằm mục đích “trừng phạt” các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, tình thế “tiến thoái lưỡng nan” xảy ra khi doanh nghiệp Mỹ không thể tìm được nguồn hàng trong nước với giá tương đương, khiến chính những người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả của chính sách thuế quan.
Phó Tổng thống Kamala Harris từng chỉ trích chính sách của ông Trump là một loại "thuế tiêu dùng mới đối với người dân Mỹ," và dự báo rằng mỗi gia đình Mỹ sẽ phải chi tiêu thêm 4000 USD mỗi năm nếu ông Trump lên nắm quyền. Người phát ngôn chiến dịch của bà Harris, ông Joseph Costello, cũng cho rằng những chính sách thuế quan của ông Trump làm “gia tăng lạm phát vĩnh viễn” và “phá hủy những cơ hôi việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo” của Mỹ.
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm của Phó Tổng thống Kamala Harris và các đồng minh, nhận định rằng việc tăng thuế quan sẽ làm tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể của các chính sách này vẫn còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn.
Theo chuyên gia kinh tế Adam Hersh tại Viện Chính sách Kinh tế (Mỹ), thay vì 4.000 USD, mỗi gia đình tại Mỹ sẽ phải trả thêm 2.500 - 3.000 USD nếu ông Donald Trump tái đắc cử. Còn đối với nhà kinh tế Alan Deardorff tại Đại học Bang Michigan, tuy hàng nhập khẩu 100% sẽ có mức giá tăng đáng kể, nhưng với những mặt hàng được sản xuất tại Mỹ có thành phần nhập khẩu từ nước ngoài, như ô tô hoặc máy bay, mức giá tăng sẽ thấp hơn nhiều.