Bầu cử Mỹ 2024: Ông Donald Trump theo sát nút đối thủ nhờ nhóm cử tri đặc biệt
Lực lượng cử tri trẻ đang rất năng nổ tham gia bỏ phiếu cho kỳ bầu cử Tổng thống năm nay. Tuy nhiên, nhóm cử tri này có xu hướng nghiêng về phía cựu Tổng thống Donald Trump, khiến đảng Dân chủ tại Arizona lo lắng về khả năng điều này sẽ gây bất lợi cho bà Kamala Harris.
Còn nhớ, trong cuộc bầu cử năm 2020, cử tri trẻ tại Arizona đã tạo ra cột mốc lịch sử khi góp phần giúp bang này chuyển sang ủng hộ Tổng thống Joe Biden. Thế nhưng, sau bốn năm, một số chiến lược gia Dân chủ lo ngại sức ảnh hưởng của ông Donald Trump với nhóm cử tri trẻ, đặc biệt là nam giới và người Mỹ gốc Latinh.
Bà Harris chưa có được niềm tin của cử tri trẻ
Bà Harris đang gặp khó khăn trong việc thu hút cử tri trẻ trên toàn quốc, bao gồm cả tại Michigan. Tuy nhiên thách thức rõ rệt nhất của bà lại nằm ở miền Tây, nơi người Latinh chiếm hơn 40% cử tri trẻ đủ tuổi bầu cử.
Kết quả khảo sát gần đây chỉ ra rằng, ngay cả những cử tri trẻ có xu hướng ủng hộ các ứng viên Dân chủ ở các cuộc đua khác vẫn tỏ ra dè dặt với bà Harris. Theo cuộc thăm dò của The New York Times/Siena College, ông Donald Trump đang dẫn trước đối thủ của mình 5 điểm tại Arizona.
Ông Trump và bà Harris đang cố gắng để đạt được lòng tin của nhóm cử tri trẻ. Ảnh: AFP |
Jacob Marson, Giám đốc tổ chức Keep Arizona Blue chuyên vận động cử tri trẻ, cho biết nhóm của ông đã tiếp xúc với nhiều bạn trẻ quan tâm đến các vấn đề xã hội nhưng
“không hứng thú với các ứng viên chính trị”, Marson chia sẻ.
Theo thống kê bầu cử, chưa có ứng viên Tổng thống nào của đảng Dân chủ trong lịch sử hiện đại thắng cử với dưới 60% phiếu bầu từ cử tri trẻ - ngưỡng mà Tổng thống Biden đã đạt được năm 2020. Tuy nhiên, việc khảo sát nhóm cử tri này gặp nhiều khó khăn khiến khả năng chiến thắng của bà Harris trở nên khó đoán. Dù vậy, các khảo sát hiện tại cho thấy bà đang cố gắng tiệm cận nhóm cử tri đó nhưng vẫn chưa thực sự đạt được.
Theo khảo sát Harvard Youth Poll, bà Harris đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 64% so với 32% trong nhóm cử tri dưới 30 tuổi. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát khác của CNN do SSRS thực hiện tháng trước cho thấy khoảng cách này thu hẹp chỉ còn 12 điểm trong nhóm cử tri dưới 35 tuổi.
Những con số này tích cực hơn so với thời điểm Tổng thống Biden tranh cử, khi ông từng suýt bị ông Trump bắt kịp về tỷ lệ ủng hộ từ cử tri trẻ.
“Bà Harris đang dần tiệm cận ngưỡng cần thiết”, John Della Volpe, Giám đốc khảo sát của Viện Chính trị tại Trường Kennedy, Harvard, nhận xét. “Tôi nghĩ bà ấy đang an toàn ở mức giữa 50%”. (Volpe cũng điều hành một công ty nghiên cứu từng thực hiện khảo sát cho một ủy ban hành động chính trị ủng hộ Phó Tổng thống Harris).
Chiến dịch của bà Harris vẫn tin rằng còn thời gian để thu hút cử tri trẻ, đặc biệt là nam giới và người Latino trẻ tuổi. Hôm 22/10 (theo giờ địa phương), chiến dịch cũng nhấn mạnh các chính sách kinh tế được cho là mang lại lợi ích cho nam giới Latino. Đồng thời, bà Harris, Thống đốc Minnesota Tim Walz và Phu quân thứ hai Doug Emhoff cũng tích cực tham gia phỏng vấn trên truyền thông tiếng Tây Ban Nha, nối tiếp chiến dịch “Hombres con Harris” khởi động tại Arizona.
Người phát ngôn chiến dịch, Kevin Munoz, cho biết: “Những cử tri chưa quyết định bây giờ mới bắt đầu chú ý đến cuộc bầu cử và có thể thuyết phục được họ trong giai đoạn nước rút này, khi bầu cử trở nên thực tế hơn với họ”.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ở mức giữa 50% có thể chưa đủ để bà Harris giành chiến thắng trong một cuộc đua sít sao.
Các tổ chức cấp tiến tập trung vào cử tri trẻ nhận định rằng một trong những thách thức lớn nhất của bà Harris là thuyết phục người trẻ rằng chính quyền Biden-Harris đã mang lại lợi ích gì cho họ và quan trọng hơn, bà sẽ làm gì nếu trở thành Tổng thống. Họ cho rằng việc bà Harris thể hiện tác động của những chính sách dài hạn, như biến đổi khí hậu và kiểm soát súng sẽ không có hiệu quả bằng việc chỉ ra thành tựu rõ ràng như giới hạn giá insulin ở mức 35 USD cho người cao tuổi trong chương trình Medicare.
“Câu hỏi thường được đặt ra là: ‘Bà Kamala và đảng Dân chủ đã làm được gì? Vì chúng tôi chưa thấy thay đổi gì rõ rệt’. Do đó, các cuộc trò chuyện với cử tri thường kéo dài hơn vì cần giải thích, giáo dục nhiều hơn”, Alejandra Gomez, Giám đốc điều hành tổ chức cấp tiến Living United for Change in Arizona, cho biết. “Ngoài ra, do tình trạng rối loạn và phân cực, nhiều người còn mang tâm lý chấp nhận. Chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để kéo họ ra khỏi suy nghĩ đó”.
Một số bạn trẻ cũng đã quyết định không tham gia bầu cử. Số khác, trưởng thành trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Biden và chịu áp lực kinh tế mà họ quy trách nhiệm cho ông, lại chuyển sang ủng hộ ông Trump – người từng nắm quyền khi họ mới chỉ là học sinh tiểu học.
"Tôi không chắc có thể nói ông Trump là lựa chọn tốt nhất của mình, nhưng tôi cũng không nghĩ bà Kamala Harris sẽ là lựa chọn tốt hơn. Một số phát ngôn của bà khiến tôi lo lắng”, Shay Gardner, 19 tuổi - sinh viên Đại học bang Arizona, chia sẻ ở trung tâm Phoenix.
Nhóm cử tri “tương lai đất nước" trở thành điểm nhắm của các ứng viên
Chiến dịch của bà Harris đang áp dụng chiến lược “ba mũi nhọn” để tiếp cận cử tri trẻ: tại các trường đại học, trên nền tảng trực tuyến và trong cộng đồng, bao gồm các buổi hòa nhạc, lễ hội âm nhạc, sự kiện thể thao và quán bar. Kỳ bầu cử lần này, chiến dịch cũng đã triển khai chương trình quay lại trường học trên 150 khuôn viên đại học tại các bang chiến địa, với các quảng cáo kỹ thuật số và trực tiếp tại trường, tổ chức sự kiện và tăng gấp đôi nhân sự phụ trách tiếp cận giới trẻ.
Nhận thức rõ mức độ thiếu tin tưởng vào truyền thông truyền thống, đặc biệt trong giới trẻ, chiến dịch đã dựa vào các “influencer” (người truyền cảm hứng) sở hữu lượng lớn nam giới theo dõi, như chương trình “Track Star” hay streamer Hasan Piker trên Twitch. Họ cũng dùng mạng xã hội như Instagram, TikTok và Twitch để lan truyền thông điệp, đồng thời chạy quảng cáo kỹ thuật số trên các trang web dành cho nam giới như IGN và Fandom, cũng như các nền tảng thể thao ảo và tin tức thể thao như DraftKings và Yahoo Sports. Bên cạnh đó, chiến dịch còn triển khai quảng cáo trên hơn 100 trò chơi di động.
Tại Arizona, chiến dịch đặc biệt nhắm đến các cử tri trẻ gốc Latinh thông qua các quán ăn địa phương, tiệm cắt tóc và sự kiện xe “lowrider”, nhằm tiếp cận họ trong những không gian quen thuộc.
Trong khi đó, ông Trump và các đồng minh của ông đã đầu tư hàng chục triệu đô la để tiếp cận với giới trẻ, bao gồm cả sáng kiến gọi là “Gửi phiếu bầu”. Tổ chức tập trung vào giới trẻ Turning Point Action (1 tổ chức chính trị huy động cử tri trẻ) đã trở thành lực lượng chủ chốt trong việc tác động đến các cử tri trẻ có động lực chính trị bên phía cánh hữu. Trong tháng qua, họ đã tổ chức các sự kiện đăng ký cử tri quy mô lớn và phát tặng mũ MAGA tại Đại học Bang Arizona, Đại học Arizona và Đại học Grand Canyon.
Halee Dobbins, phát ngôn viên của ông Trump tại Arizona, cho biết chiến dịch của ông đã “trực tiếp tiếp cận các cử tri trẻ, bao gồm người da màu, người gốc Tây Ban Nha và người bản địa Mỹ, cũng như tham gia vào các hoạt động tại các trường đại học, hội chợ, lễ hội, chợ truyền thống và nhiều nơi khác.”
Tại Arizona, có dấu hiệu cho thấy chiến dịch của ông Trump có thể đang có sức ảnh hưởng. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo rằng kế hoạch của ông Trump có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, nhưng cựu Tổng thống hứa hẹn sẽ mang đến một sự thay đổi kinh tế mà cử tri trẻ đang mong chờ. Đặc biệt, cánh mày râu trẻ tuổi ngày càng bị thu hút bởi hình ảnh và thông điệp kinh tế của ông Trump. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Harvard Youth Poll, mặc dù bà Harris vẫn dẫn trước ông Trump 17 điểm trong số cử tri nam trẻ, nhưng đây là khoảng cách hẹp hơn nhiều so với 47 điểm mà bà có với cử tri nữ trẻ. Dường như bà vẫn cần nỗ lực thêm để thu hút cử tri trẻ.
Theo khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang tạm dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ 46% so với 43%. Cuộc khảo sát kéo dài 6 ngày, kết thúc vào ngày 22/10, cho thấy khoảng cách này không có nhiều thay đổi so với tuần trước (45% - 42%).
Dù đang dẫn trước, kết quả này phản ánh rõ sự căng thẳng của cuộc đua khi chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày bầu cử 5/11. Nhiều ý kiến cho rằng đất nước cần một hướng đi mới, tạo áp lực lớn cho cả hai ứng viên trong chặng đua cuối.
Cả hai cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos đều cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris tạm dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng tỷ lệ chênh lệch thực tế chỉ 2 điểm phần trăm khi chưa làm tròn. Cuộc đua vì thế vẫn rất sát sao và mọi thay đổi nhỏ trong những ngày cuối có thể đảo ngược tình thế trước bầu cử ngày 5/11.
Các cử tri đang có xu hướng không hài lòng và mất niềm tin vào tình hình kinh tế và chính sách nhập cư của chính quyền hiện tại. Đáng chú ý, phần lớn cử tri nhận định các giải pháp của ông Trump trong các vấn đề này phù hợp hơn so với đối thủ.
Cụ thể, khoảng 70% cử tri cho rằng chi phí sinh hoạt ngày càng bất hợp lý, trong khi 60% nhận định nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, 65% người tham gia khảo sát đánh giá rằng chính sách nhập cư hiện nay không còn hiệu quả.
Khi được hỏi về các vấn đề quan trọng nhất của đất nước, cử tri nhấn mạnh ba lĩnh vực hàng đầu: kinh tế, nhập cư và các mối đe dọa đối với nền dân chủ. Về khả năng giải quyết những vấn đề này, ông Trump vượt trội hơn bà Harris với tỷ lệ 46%-38% về kinh tế và 48%-35% về nhập cư.
Nhập cư là vấn đề cấp bách nhất, với 35% cử tri cho rằng Tổng thống mới phải ưu tiên trong 100 ngày đầu. Ngoài ra, 11% đề cập bất bình đẳng thu nhập và 10% quan tâm đến chăm sóc sức khỏe và thuế.
Dù ông Trump được đánh giá cao hơn về kinh tế và nhập cư, bà Harris lại chiếm ưu thế trong các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa cực đoan chính trị và các mối đe dọa đối với nền dân chủ, với tỷ lệ 42%-35%. Bà cũng nhận được nhiều ủng hộ hơn về các chính sách liên quan tới những vấn đề quan trọng với nhiều nhóm cử tri đặc biệt là phụ nữ như chăm sóc sức khoẻ.
Kết quả sát sao và lo ngại về tương lai đất nước khiến cuộc bầu cử năm nay khó đoán định. Những biến động vào phút chót, nhất là tại các bang dao động, có thể thay đổi cục diện. Cả hai ứng viên đang bước vào giai đoạn nước rút, nỗ lực tối đa để giành lợi thế trước ngày bầu cử.