Bầu cử Mỹ 2024: Bà Kamala Harris ‘tung đòn quyết định’ nhằm giành ghế Tổng thống Mỹ
Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng ngày càng căng thẳng, Phó Tổng thống Kamala Harris đang tìm cách khắc phục những sai lầm từ các chiến dịch trước của Đảng Dân chủ. Bà đã quyết định đặt niềm tin vào Tim Walz - một chính trị gia vừa là cựu binh, vừa là huấn luyện viên bóng bầu dục và là người từng trực tiếp giúp người dân xúc tuyết trong mùa đông. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm kết nối với nhóm cử tri da trắng không có bằng đại học, họ từng là xương sống của Đảng Dân chủ nhưng đã dần quay lưng lại với đảng này trong nhiều năm qua.
Bà Harris đang nỗ lực lôi kéo nhóm cử tri không có bằng đại học. Ảnh: EPA |
Trong thời kỳ của ông Bill Clinton, gần 60% số người ủng hộ ông là cử tri da trắng không có bằng đại học. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Joe Biden, tỷ lệ này đã giảm mạnh chỉ còn 27%. Điều này khiến Đảng Dân chủ phải đối mặt với nguy cơ mất đi một phần đáng kể lực lượng cử tri đông đảo và có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Mỹ.
Nếu không thể giành lại nhóm cử tri này, Đảng Dân chủ sẽ phải dựa hoàn toàn vào cử tri da màu. Nhưng ngay cả lực lượng này cũng đang suy giảm mức độ ủng hộ. Số liệu cho thấy tỷ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ của cử tri gốc La-tinh đã giảm từ 39 điểm năm 2016 xuống còn 19 điểm. Cùng lúc đó, sự tín nhiệm từ cử tri da đen đối với bà Harris cũng giảm đáng kể, thấp hơn 12 điểm so với thời điểm ông Biden tranh cử năm 2020.
Đáng chú ý, sự suy giảm này tập trung nhiều ở tầng lớp lao động không có bằng đại học, bao gồm cả người da đen và gốc La-tinh. Một xu hướng đặc biệt xuất hiện: ngày càng nhiều nam giới da màu trong nhóm này bắt đầu bỏ phiếu theo cách tương tự như cử tri da trắng cùng tầng lớp. Điều này đã đặt ra thách thức không nhỏ cho bà Harris và đội ngũ của bà.
Để khôi phục sự tín nhiệm, chiến dịch của bà Harris đang chuyển sang một chiến thuật đặc biệt mới, được kỳ vọng sẽ thu hút tầng lớp lao động. Trong nhiều năm, đảng Cộng hòa đã sử dụng thông điệp này để kích động sự bất mãn, khiến cử tri đổ lỗi cho giới tinh hoa văn hóa thay vì giới tinh hoa kinh tế.
Bà Kamala Harris cũng bắt đầu dùng những câu chuyện cá nhân để tạo sự kết nối. Bà nhắc lại thành tích từng mang về 20 triệu USD cho các chủ nhà ở California bị các ngân hàng lừa gạt sau cuộc ‘Đại Suy thoái’ năm 2008 như một cách chứng minh rằng bà luôn đứng về phía người dân.
Trong quá khứ, Đảng Dân chủ thường đề cao tầng lớp trung lưu nhưng lại theo đuổi các chính sách tân tự do, khiến nhiều công việc của tầng lớp lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dưới thời ông Biden, Đảng Dân chủ đã thay đổi cách tiếp cận, tập trung vào những chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bà Kamala Harris đang tiếp nối hướng đi này khi đưa ra chính sách kiểm soát giá thực phẩm, nhằm ngăn chặn tình trạng “chặt chém giá”. Dù chính sách này vấp phải sự phản đối từ giới tự do kinh tế, nó lại nhận được sự đồng tình từ tầng lớp lao động khi những người này thường xuyên chịu ảnh hưởng từ giá cả sinh hoạt tăng cao.
Ngoài vấn đề kinh tế, bà Harris còn nhạy bén điều chỉnh thông điệp để đáp ứng các yếu tố văn hóa. Bà chấp nhận học tập từ đối thủ của mình khi Đảng Cộng hòa đã khai thác rất hiệu quả sự khác biệt văn hóa để thu hút cử tri, trong khi Đảng Dân chủ đôi khi vô tình gửi đi những thông điệp mang tính tinh hoa, xa rời thực tế.
Một ví dụ điển hình là lòng yêu nước, có đến 79% người Mỹ chỉ có bằng trung học coi đây là yếu tố quan trọng đối với họ, nhưng chỉ có 43% người dân có bằng đại học coi trọng điều này. Với tầng lớp lao động, lòng yêu nước là niềm tự hào, còn với giới tinh hoa Mỹ, họ lại thường tự nhận mình là “công dân toàn cầu.”
Do đó, khi bà Harris nhấn mạnh rằng: “Đặc quyền lớn nhất của chúng ta là được làm người Mỹ” và khơi dậy tinh thần dân tộc qua những khẩu hiệu như “USA, USA”, bà đã thể hiện nỗ lực rõ ràng trong việc kết nối với tầng lớp lao động.
‘Vũ khí bí mật’ của bà Harris trong cuộc chiến giành lòng tin cử tri
Để nhanh chóng đạt được lòng tin của nhóm cử tri không có bằng đại học trong bối cảnh cuộc đua sắp đến hồi kết, bà Harris đã điều chỉnh phong cách truyền đạt để phù hợp hơn với tầng lớp lao động. Bà loại bỏ những thông điệp dài dòng, phức tạp trước đây đã gây khó khăn cho cử tri. Thay vì đưa ra những tuyên bố kiểu học thuật như bà Elizabeth Warren, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2020: “Tôi có kế hoạch cho việc đó”, bà Harris chọn cách nói đơn giản và gần gũi hơn.
Tuy đã nỗ lực rất nhiều, Harris vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Vấn đề không chỉ nằm ở các chính sách, mà còn ở sự khác biệt về văn hóa đang lấn át những thông điệp của chiến dịch.
Ông Donald Trump, bằng tài năng của mình đã biết cách khơi gợi sự phẫn nộ từ những người cảm thấy bị bỏ rơi bởi giấc mơ Mỹ. Ông đánh trúng tâm lý tiếc nuối và sự bất mãn của cử tri khi họ nhận ra rằng thế hệ của họ khó có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ mình. Dù ông Trump không đưa ra giải pháp cụ thể nào, ông vẫn mang lại cho họ niềm tự hào và danh dự.
Ông Bill Clinton từng cảnh báo Đảng Dân chủ rằng: “Đừng coi thường cử tri của ông Trump, nhưng cũng đừng giả vờ đồng tình nếu bạn không thực sự tin tưởng. Hãy tôn trọng họ như cách bạn mong được tôn trọng.”
Cuộc đua của bà Kamala Harris không chỉ dừng lại ở việc giành phiếu bầu mà còn là cuộc chiến giành niềm tin. Liệu Đảng Dân chủ có thể giành lại sự ủng hộ của tầng lớp lao động không có bằng đại học ở các bang chiến trường hay không?
15 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu sớm
Dù còn hai tuần nữa mới đến ngày bầu cử, nhưng đã có hơn 15 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm, bầu chọn cho ứng cử viên mà họ tin tưởng.
Việc hơn 15 triệu người đã tham gia bỏ phiếu sớm là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy thói quen bầu cử đã thay đổi hoàn toàn từ sau đại dịch Covid-19 và việc bỏ phiếu sớm đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình dân chủ của Mỹ.
Con số kỷ lục
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, trong khi nhiều người bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc bầu sớm vì hoàn cảnh khó khăn giữa đại dịch nguy hiểm, thì năm 2024 nhiều cử tri đang chọn đi bầu cử sớm.
Nhiều bang đã thiết lập kỷ lục vào ngày đầu tiên của việc bỏ phiếu sớm. Vào thứ Năm, hơn 353.000 phiếu đã được bầu ở Bắc Carolina, một kỷ lục cho bang chiến trường vẫn đang phục hồi sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bão Helene. Trong khi đó, vào thứ Sáu, gần 177.000 cử tri đã bỏ phiếu ở Louis iana, lập kỷ lục cho bang này.
Sự thay đổi rõ ràng nhất là tại Georgia kể từ thứ Ba tuần trước, nơi cử tri liên tục thiết lập kỷ lục về việc đi bỏ phiếu sớm trực tiếp. Tính đến ngày hôm nay (theo giờ địa phương), hơn 1,5 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm tại bang chiến trường quan trọng này.
Xuất phát từ cuộc bầu cử năm 2020 đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong thói quen bầu cử nhiều người Mỹ, với việc ưa chuộng đi bỏ phiếu sớm qua bưu điện và trực tiếp. Tuy nhiên, khi mọi người đổ xô đến các trung tâm bầu cử sớm thì việc phân tích lợi thế đảng phái hay những gì mà phiếu bầu sớm dự đoán cho tỷ lệ cử tri tổng thể là điều khó khăn.
Đảng Dân chủ đẩy mạnh bỏ phiếu qua đường bưu điện
Tại những bang theo dõi phiếu bầu qua bưu điện, Đảng Dân chủ vẫn tiếp tục thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phương thức bỏ phiếu này.
Tại Pennsylvania, hơn 580.000 cử tri Đảng Dân chủ đã gửi phiếu bầu qua bưu điện, so với chỉ 254.000 cử tri Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đang có những dấu hiệu tăng trưởng. Trong cuộc bầu cử năm 2020, phiếu bầu của Đảng Cộng hòa chỉ chiếm khoảng 23% tổng số phiếu bầu qua bưu điện trong bang này. Tính đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 27%. Tuy nhiên, vẫn còn hai tuần nữa để theo dõi và con số này sẽ tiếp tục thay đổi.
Một bang khác cần chú ý là Nevada, nơi đã gửi phiếu bầu đến tất cả cử tri trong cả hai cuộc bầu cử năm 2020 và 2024. Tính đến thứ Hai, khoảng 53.000 cử tri Đảng Dân chủ đã gửi phiếu bầu qua bưu điện, so với khoảng 37.000 cử tri Đảng Cộng hòa. Vào năm 2020, khoảng 106.000 cử tri Đảng Dân chủ và 47.000 cử tri Đảng Cộng hòa đã gửi phiếu bầu qua bưu điện tại thời điểm này. Mặc dù Đảng Dân chủ vẫn có lợi thế trong việc bỏ phiếu qua bưu điện, nhưng Đảng Cộng hòa đã thu hẹp khoảng cách ở cả Nevada và Pennsylvania.
Liệu điều này có đồng nghĩa với việc Đảng Cộng hòa sẽ có sự tham gia cao hơn hay nhiều cử tri Đảng Dân chủ đang trở lại với việc bỏ phiếu trực tiếp vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Những bước tiến của Đảng Cộng hòa này diễn ra trong bối cảnh thông điệp mâu thuẫn về việc bỏ phiếu qua bưu điện từ chiến dịch của ông Trump.
Trong khi các buổi vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump được trang trí bằng biểu ngữ "bỏ phiếu sớm" và thường đọc kịch bản khuyến khích những người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm, ông cũng thường xuyên kêu gọi bỏ phiếu vào một ngày duy nhất và chỉ trích việc bỏ phiếu qua bưu điện. “Các phiếu bầu qua bưu điện không hiệu quả”, ông Trump nhắc đến cuộc bầu cử năm 2020 khi nói với cử tri ở Latrobe, Pennsylvania vào thứ Bảy.