Xúc tiến thương mại 'tiếp sức' nông sản xuất khẩu
Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và nông sản đã và đang trở thành một trong những mặt hàng quan trọng, đóng góp vào thương mại nội địa cũng như xuất nhập khẩu.
Theo Bộ Công Thương, nông sản được xác định vừa là nguồn lương thực, thực phẩm quan trọng trong nước và sinh kế của người dân, vừa là ngành hàng chiến lược trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Năm 2024, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 32,8 tỷ USD tăng 22,4% so với năm 2023. Để có được kết quả này, hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản đã được Bộ Công Thương thực hiện mạnh mẽ và ngày càng bài bản hơn.
![]() |
Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc |
Các chương trình xúc tiến thương mại đã thực sự là cầu nối dẫn đường đưa nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế. Các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; gặp gỡ, kết nối với các đối tác cũng như tận dụng được các lợi thế từ các FTA; quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Cánh cửa xuất khẩu nông sản năm 2025 của Việt Nam đang khá rộng mở với lợi thế từ nguồn cung dồi dào trong nước cũng như từ nhu cầu tiêu thụ cao của thị trường nhập khẩu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động đàm phán, trong đó chú trọng công tác phối hợp đàm phán mở cửa thị trường, kiểm dịch động - thực vật, và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản có thể xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.
Đây cũng chính là động lực hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 70 tỷ USD trong năm nay.