Luật Điện lực (sửa đổi): Hoàn thiện khung pháp lý, tạo cơ chế đột phá phát triển điện gió ngoài khơi
Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu nhiệm vụ “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực mới tại Việt Nam, hiện nay chưa có công trình, dự án nào được triển khai nên chưa có kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng các chính sách phát triển.
Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa |
Do đó, các chính sách trong Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, tập trung vào các quy định về khảo sát lập dự án; trình tự, thủ tục về đầu tư; xây dựng các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia các dự án D.
Có cơ chế đặc thù để các doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi nhằm chủ động trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại những khu vực biển nhạy cảm.
Dự thảo quy định nguyên tắc về cơ chế bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu đối với nhà máy điện gió ngoài khơi để hỗ trợ thu xếp vốn vay, vì các dự án điện gió ngoài khơi nói chung sẽ có quy mô và vốn đầu tư lớn. Giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ phù hợp với mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư trong từng thời kỳ.
Dự thảo Luật quy định căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án. Đây sẽ là căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền giao khu vực biển quyết định giao khu vực biển để khảo sát nghiên cứu phát triển dự án theo quy định.
Về lựa chọn đơn vị thực hiện khảo sát, sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển trong từng thời kỳ. Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nếu có đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì sẽ được lựa chọn để giao khu vực biển thực hiện khảo sát.
Để đảm bảo nguyên tắc áp dụng pháp luật đồng bộ, về cơ bản Dự thảo Luật Điện lực vẫn quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo pháp luật về Đầu tư. Tuy nhiên, có sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đầu tư (Điều 31, 32) để bổ sung thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với loại hình dự án điện gió ngoài khơi.
Để hạn chế việc chuyển nhượng, mua bán dự án mất kiểm soát, ảnh hưởng tới tiến độ cung cấp điện, Dự thảo Luật Điện lực quy định việc chuyển nhượng phần cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong dự án điện gió ngoài khơi.
So với Luật điện lực năm 2004, Luật Điện lực sửa đổi đã có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.