Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: Khai thác mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy động lực tăng trưởng
Chiều 23/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ quý III/2024, thông tin về tình hình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2024.
Thông tin tại họp báo cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp |
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 của ngành Công Thương, trong đó có nhiệm vụ của thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Cùng đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng.