
Gia cố “tấm khiên” bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Báo Công Thương phối hợp Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong bối cảnh thực thi Luật Bảo vệ người tiêu dùng”.
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính luôn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, phải đối diện với nhiều rủi ro trong quá trình sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính. Hơn hết, các sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong những năm gần đây phát triển nhanh chóng cả về số lượng và hình thức tiếp cận khiến nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Theo số liệu của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, số lượng các vụ việc khiếu nại người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ngày càng tăng, chiếm hơn 10% tổng số các khiếu nại gửi đến Bộ Công Thương. Cụ thể, trong năm 2022 có 136/818 vụ việc khiếu nại về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm 16,62%. Trong 11 tháng năm 2023, có 71/586 vụ việc, chiếm 12,11%.
![]() |
Thêm nhiều quy định về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng tài chính khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung |
Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không thực hiện đúng cam kết với người tiêu dùng, vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng không nắm rõ thông tin khi ký kết các hợp đồng liên quan đến tài chính.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 đã thêm nhiều quy định về bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng tài chính khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung.
![]() |
Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp |
Theo đó, Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát các loại hợp đồng.
Ngoài ra, Luật sửa cũng đổi có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tại hội thảo đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các trường, viện, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp lĩnh vực tài chính, ngân hàng và người tiêu dùng tài chính đã tập trung thảo luận nhằm đưa ra các chính sách trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính; Kinh nghiệm của quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; Tăng cường tính minh bạch trong cung cấp thông tin liên quan tới sản phẩm; Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp; Tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.