
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới

Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 11/05/2025 22:56
Theo Quyết định số 1876/QĐ-BCT ngày 21/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2023, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều ứng dụng nội bộ phục vụ hoạt động quản lý, điều hành tại Bộ Công Thương. Điển hình, Hệ thống quản lý văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT) đã được triển khai đồng bộ, toàn diện tại tất cả đơn vị trực thuộc Bộ từ ngày 1/1/2016. Đến nay, hệ thống iMOIT đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và trở thành công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của các cán bộ, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ.
Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương đang cung cấp 236 dịch vụ công trực tuyến với gần 49.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đến hết Quý III/2023 là gần 1,2 triệu bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị Thúc đẩy Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương diễn ra chiều 10/11 |
Ngoài ra, trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong 9 tháng năm 2023 là gần 250 nghìn bộ hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), trao đổi gần 190 nghìn bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm.
Tại Hội nghị Thúc đẩy Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương chiều 10/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, trong những năm qua, nhận thức về chuyển đổi số trong Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến tích cực; hạ tầng chuyển đổi số được quan tâm hơn và ngày càng hoàn thiện; cơ sở dữ liệu cũng được chú trọng; dịch vụ công trực tuyến được tăng cường...
![]() |
Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh kiến nghị các đơn vị trong Bộ cởi mở, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhiều hơn cho các đơn vị truyền thông |
Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh kiến nghị các đơn vị trong Bộ cởi mở, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhiều hơn cho các đơn vị truyền thông.
"Tháng 4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong Chiến lược này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra nhiều tiêu chí xếp hạng chuyển đổi số của các cơ quan báo chí trong toàn quốc, trong đó có các cơ quan báo chí của Bộ Công Thương. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi tất cả cơ quan báo chí phải xây dựng được một nguồn lực để chuyển đổi số toàn diện, thực chất, bài bản.
Do vậy, để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới trong bối cảnh số, Báo Công Thương xác định sẽ phải chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện, phấn đấu đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng. Để làm được điều này, Báo Công Thương mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Bộ cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu" - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, trong những năm tiếp theo, Bộ Công Thương phải làm tốt hơn nữa công tác Chuyển đổi số.
Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chú trọng đến công tác cập nhật cơ sở dữ liệu; đề xuất nhu cầu, trang thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác Chuyển đổi số; khẩn trương triển khai thực hiện các hạng mục của Đề án phát triển dịch vụ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ theo đúng kế hoạch.
Tất cả các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực, chủ động cung cấp thông tin, đưa ra các yêu cầu quản lý của đơn vị mình gửi Cục Thương mại điện tử kinh tế số để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ nhằm phục vụ việc triển khai Chính phủ điện tử.
Trước ngày 30/11/2023, tất cả các đơn vị đều phải đưa ra yêu cầu quản lý của đơn vị mình để Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổng hợp và đề xuất với Lãnh đạo Bộ xây dựng một Chương trình tổng thể trước ngày 15/12. Đây là nhiệm vụ hết sức nóng bỏng, do vậy các đơn vị trong Bộ phải quyết tâm thực hiện.
Đáng chú ý, các đơn vị có cơ sở dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, liên tục, bảo đảm dữ liệu luôn "Đúng - Đủ - Sạch - Sống". Đồng thời thực hiện số hóa 100% hồ sơ thủ tục hành chính do tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện và đưa vào hệ thống Một cửa của Bộ theo đúng quy định. Số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực chậm nhất là ngày 15/12/2023 phải hoàn thành.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hóa trong một số lĩnh vực để có thể thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đối với những đơn vị như: Cục Xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà Xuất bản...