Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Doanh nghiệp không xin hỗ trợ bằng tiền mà bằng sự động viên và cơ chế
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9, nhiều doanh nhân đã đưa ra các ý kiến và sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong số đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới.
Theo bà Thảo, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, Việt Nam cần tận dụng vị trí địa lý thuận lợi để thu hút nhanh chóng các hoạt động du lịch, giao thương và đầu tư quốc tế. Bà đề xuất việc khẩn trương đầu tư và nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế nhằm biến Việt Nam thành một trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế, tương tự như Bangkok, Singapore hay Hàn Quốc. Điều này sẽ không chỉ thúc đẩy ngành hàng không mà còn là động lực phát triển mạnh mẽ cho nhiều ngành kinh tế khác.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico. Ảnh: VGP |
Đại diện Vietjet cũng nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nhân lực và công nghệ hàng không. Với hơn 100 tàu bay đang vận hành, Vietjet lại chưa có hệ thống hanggar tại Việt Nam, phải thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật tại sân bay Viêng Chăn, gây tốn kém chi phí. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tàu bay tại các sân bay Việt Nam sẽ là bước đi cần thiết để phát triển ngành công nghiệp hàng không. Ngoài ra, với số lượng đặt hàng lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất và lắp ráp linh kiện tàu bay như Trung Quốc đang làm với Boeing và Airbus.
Những ý kiến này đã làm nổi bật khát vọng và khả năng của Việt Nam trong việc trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không quốc tế, góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững.