Toàn cảnh thế giới 20/11: Ukraine ra cảnh báo 'cứng rắn' với châu Âu; Lebanon gặp khó trước Hezbollah
Ukraine ra cảnh báo ‘cứng rắn’ với châu Âu
Tờ Poltico đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích bất kỳ nhà lãnh đạo nào cố gắng đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đạt được lợi ích chính trị trong nước, kêu gọi châu Âu hành động nhiều hơn để thúc đẩy Nga "hướng tới một nền hòa bình công bằng".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Nghị viện châu Âu. Ảnh: Politico. |
Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào ngày thứ 1.000 kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu, ông Zelensky đã cảm ơn các nhà lập pháp EU vì đã "đảm bảo rằng không một ngày nào trong số một nghìn ngày của cuộc chiến này trở thành ngày phản bội các giá trị chung của châu Âu".
"Đừng quên châu Âu có thể đạt được những gì. Và nếu chúng ta có thể ngăn chặn khả năng châu Âu sụp đổ, chúng ta chắc chắn có thể thúc đẩy Nga hướng tới một nền hòa bình công bằng", ông Zelensky nói thêm.
Nhưng ông Zelensky không chỉ ca ngợi khối này.
"Trong khi một số nhà lãnh đạo châu Âu nghĩ về kết quả bầu cử, với cái giá phải trả là Ukraine, ông Putin lại tập trung vào việc giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Ông ấy sẽ không dừng lại", ông cảnh báo.
Ông nói thêm: “Nếu bất kỳ ai ở châu Âu nghĩ rằng họ có thể bán rẻ Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia nào khác ở vùng Balkan như Georgia, Moldova và nhận lại được điều gì đó, hãy để họ nhớ sự thật đơn giản này: Không thể có nước lặng trước cơn bão tố”.
Trong một bài phát biểu trước đó trước Quốc hội Ukraine, ông Zelensky khẳng định rằng nước này "đã đạt được mức độ gần gũi cao nhất với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ khi giành được độc lập".
"Tất cả các nền tảng cần thiết cho quá trình đàm phán với EU đã được hình thành. Chúng ta phải thật năng động trong các cuộc đàm phán. Quyền trở thành thành viên NATO của Ukraine có tầm quan trọng sống còn. Chúng ta đã ký kết 27 thỏa thuận an ninh song phương với các đối tác. Hầu hết đều là thành viên của NATO, và họ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO", nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Thổ Nhĩ Kỳ: Nga có quyền tự vệ trước các mối đe dọa từ phương Tây
Trang RT dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Phương Tây nên chú ý đến học thuyết hạt nhân mới của Nga, điều này phản ánh quyền và khả năng tự vệ của Moscow trước các mối đe dọa từ phương Tây.
Moscow đã công bố những thay đổi với học thuyết hạt nhân lần đầu vào tháng 9 vừa qua, trong khi Ukraine đã kêu gọi cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga. Học thuyết mới đã chính thức được thông qua vào tối 19/11 (giờ địa phương), chỉ vài giờ sau khi Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để nhắm vào Khu vực Bryansk của Nga.
"Tôi nghĩ rằng tuyên bố này của Nga, trên hết, là một biện pháp để đáp trả lập trường chống lại họ, liên quan đến việc sử dụng vũ khí thông thường", ông Erdogan phát biểu vào thứ Ba tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil.
"Tôi nghĩ rằng, vấn đề này phải được các quan chức NATO xem xét. Nga có quyền và khả năng tự vệ và thực hiện các biện pháp phòng thủ. Và họ buộc phải thực hiện các biện pháp này", ông Erdogan nói thêm.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các nước NATO cũng có quyền tự vệ tương tự, nhưng cần lưu ý rằng "không có lợi ích gì khi xảy ra chiến tranh hạt nhân".
Trước đó, nhiều hãng thông tấn của Mỹ đưa tin rằng Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp. Nhà Trắng không xác nhận cũng không phủ nhận các báo cáo trên, nhưng Tổng thống Ukraine Vlodimir Zelensky đã tuyên bố vào thứ Ba rằng chúng là sự thật.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây rằng, việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột Nga-Ukraine và biến NATO thành bên tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh.
Mỹ và các đồng minh đã chuyển gần 200 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ năm 2022, trong khi nhấn mạnh rằng, điều này không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột. Mặc dù là một quốc gia thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga và vẫn duy trì quan hệ với cả Moscow và Kiev.
Cả Nga và Ukraine đều là nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nói với các phóng viên ở Brazil, và cho rằng Ankara phải bảo vệ mối quan hệ song phương của mình với cả hai. Cả ba quốc gia này đều giáp Biển Đen.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được lệnh ngừng bắn dứt khoát giữa Ukraine và Nga càng sớm càng tốt và đảm bảo nền hòa bình mà hành tinh này đang háo hức chờ đợi”, ông nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán ban đầu giữa Nga và Ukraine vào tháng 3 năm 2022. Theo RT, quá trình này đã sụp đổ sau khi phương Tây ra tín hiệu ủng hộ vô điều kiện cho Kiev và không muốn hòa bình với Moscow.
Điện Kremlin tiết lộ thời gian kết thúc chiến sự
Kênh RT dẫn lời Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chiến dịch quân sự của Nga ban đầu nhằm vào Ukraine nhưng giờ đã nhanh chóng mở rộng thành xung đột với NATO.
Trong một cuộc phỏng vấn mở rộng với phương tiện truyền thông Ấn Độ vào ngày 19/11, ông Peskov đã được hỏi tại sao các cuộc giao tranh đã kéo dài 1.000 ngày và vẫn đang tiếp diễn, và liệu ông có thể dự đoán khi nào chúng có thể kết thúc hay không.
"Khi tất cả những điều này bắt đầu, cuộc giao tranh này nhằm chống lại Kiev. Và bây giờ nó đang tiếp tục như một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Đó là lý do tại sao chiến sự sẽ mất nhiều thời gian hơn để kết thúc", ông Peskov cho biết.
"Nó sẽ kết thúc ngay khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình", ông Peskov nói, đồng thời khẳng định rằng Nga muốn đạt được mục tiêu của mình thông qua đàm phán, nhưng Ukraine đã biến mọi cuộc đàm phán với Moscow thành không thể.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục hoạt động quân sự, vì khả năng đàm phán hòa bình hiện đang bị cả Kiev và Washington phủ nhận”, ông Peskov nói với giới truyền thông Ấn Độ.
Theo RT, các cuộc đàm phán hòa bình ban đầu giữa Nga và Ukraine vào mùa xuân năm 2022 đã không thành công, do phía Anh đã nói với Kiev rằng phương Tây chưa sẵn sàng hòa bình với Moscow.
Được biết, Mỹ và các đồng minh đã chuyển gần 200 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ năm 2022, bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị chiến đấu như pháo binh, xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa, trong khi nước này nhấn mạnh rằng điều này không khiến Mỹ trở thành một bên trong cuộc xung đột.
Vào sáng 19/11 (giờ địa phương), Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công Vùng Bryansk của Nga, và khẳng định với giới truyền thông rằng Washington đã cho phép Kiev làm như vậy.
Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng một bước đi như vậy sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột và biến NATO thành bên tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh. Ông cũng đã cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga, cho phép nước này có phản ứng chiến lược trước một cuộc tấn công thông thường từ một cường quốc nguyên tử.
Thời điểm nào xung đột giữa Israel và Hezbollah sẽ kết thúc?
Theo Reuters, một đặc phái viên của Mỹ cho biết hôm 19/11 rằng, có "cơ hội thực sự" để chấm dứt xung đột giữa Israel và Hezbollah và khoảng cách giữa hai bên đang thu hẹp lại, báo hiệu sự tiến triển trong nỗ lực của Washington nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Trong bài phát biểu tại Beirut sau các cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri, Đặc phái viên Nhà Trắng Amos Hochstein khẳng định:
"Tôi trở lại vì chúng ta có cơ hội thực sự để chấm dứt cuộc xung đột này", ông Hochstein phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp. "Giờ đây, nó nằm trong tầm tay chúng ta. Vì thời gian hạn hẹp, tôi hy vọng những ngày tới 2 bên sẽ đưa ra quyết định".
Nhiệm vụ của ông Hochstein đánh dấu nỗ lực cuối cùng của chính quyền Tổng thống Biden nhằm làm trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Lebanon.
Trước đó, ông Berri nói với tờ báo tiếng Ả Rập Asharq Al-Awsat rằng, tình hình "về cơ bản là tốt" nhưng một số chi tiết của đề xuất ngừng bắn vẫn cần được giải quyết, bao gồm chi tiết về hậu cần. Ông cho biết, ông Hochstein sẽ giải quyết các chi tiết đó trước khi đến Israel. Lebanon cũng cho rằng Mỹ là bên bảo vệ cho lập trường của Israel.
Bộ trưởng Năng lượng Israel Eli Cohen cho biết tại một hội nghị vào thứ Ba rằng, "có các cuộc đàm phán liên quan đến một thỏa thuận với Lebanon" nhưng Israel sẽ chỉ đồng ý nếu tất cả các yêu cầu của họ được đáp ứng, bao gồm cả việc đẩy Hezbollah ra khỏi khu vực biên giới Israel - Lebanon.
Các cường quốc thế giới cho biết lệnh ngừng bắn phải dựa trên Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thứ đã chấm dứt cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và Hezbollah. Các điều khoản của nghị quyết này yêu cầu lực lượng Hezbollah phải di chuyển vũ khí và quân đội về phía bắc Sông Litani, cách biên giới với Israel khoảng 30 km (20 dặm) về phía bắc.
Ông Ali Hassan Khalil, một phụ tá cấp cao của ông Berri, đã nói với Reuters vào ngày 18/11 rằng Lebanon đã trình bày các bình luận của mình về đề xuất của Mỹ "trong bầu không khí tích cực và những bình luận đó "khẳng định sự tuân thủ chính xác Nghị quyết 1701 với tất cả các điều khoản".
Chính quyền Lebanon cho biết, chiến dịch của Israel đã làm 3.544 người ở Lebanon thiệt mạng kể từ khi bắt đầu các cuộc giao tranh. Trong khi đó, các cuộc không kích của Hezbollah đã khiến 43 thường dân thiệt mạng ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng, trong khi 73 binh sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc không kích ở miền bắc Israel và Cao nguyên Golan và trong chiến đấu ở miền nam Lebanon, theo số liệu của Israel.
Quân đội Lebanon gặp khó trước lực lượng Hezbollah
Kênh Reuters dẫn 7 nguồn tin cho biết, quân đội Lebanon không hề mong muốn, cũng như không có khả năng để đối đầu với lực lượng Hezbollah, nếu phải đối đầu trực tiếp với lực lượng này.
Theo Reuters, mặc dù bị suy yếu sau các cuộc tấn công kéo dài một năm qua, khả năng quân sự của lực lượng Hezbollah vẫn mạnh hơn so với Lực lượng vũ trang Lebanon, một phe đang đứng ngoài xung đột, ngay cả sau khi Israel đưa lực lượng bộ binh vào miền Nam Lebanon vào ngày 1 tháng 10 vừa qua.
7 nguồn tin của Reuters, bao gồm 3 nguồn tin trong quân đội và 4 nhà ngoại giao, cho biết, mặc dù Lebanon có thể sẽ phải huy động hàng nghìn binh lính đến miền Nam sau thỏa thuận ngừng bắn, nhưng họ sẽ cần sự chấp thuận của Hezbollah để làm như vậy. Các nguồn tin cũng cho rằng lực lượng quân đội Lebanon sẽ tránh các cuộc đối đầu với Hezbollah, do lo ngại xung đột nội bộ.
Trong đó, 2 nhà ngoại giao phương Tây và 1 nguồn tin thân cận với quân đội cho biết Mỹ rất muốn quân đội Lebanon đối đầu trực tiếp với Hezbollah và chia sẻ quan điểm đó với các quan chức Lebanon.
Nhưng với sức mạnh quân sự, tỷ lệ nắm giữ nội các và quốc hội Lebanon, và tỷ lệ quân đội là người Hồi giáo Shi'ite, việc Hezbollah trực tiếp đối đầu với với chính quyền Lebanon có nguy cơ gây ra xung đột nội bộ, các nguồn tin nói.
Một trong những nhà ngoại giao cho biết cảnh quân đội Lebanon “truy sát vũ khí của Hezbollah” sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến, lập luận rằng thay vào đó, quân đội Lebanon có thể hợp tác với quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để tuần tra miền nam mà không phải đối đầu trực tiếp với Hezbollah.
Trả lời phỏng vấn Reuters, ông Hassan Jouni, cựu trung tướng quân đội Lebanon cho biết: "Quân đội Lebanon đang trong tình thế nhạy cảm và khó khăn. Họ không thể thực hiện các nhiệm vụ bình thường như quân đội của các quốc gia khác vì có một lực lượng quân sự khác trong nước".
Theo thông tin trước đó, cả chính phủ Lebanon và lực lượng Hezbollah đều đồng ý với đề xuất ngừng bắn của Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng Lebanon vẫn có "bình luận" về dự thảo. Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng cần phải có sự chấp thuận của Hezbollah để có hiệu lực.
Tuần trước, người phát ngôn của Hezbollah là Mohammad Afif đã nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng mối quan hệ của Hezbollah với quân đội Lebanon vẫn "mạnh mẽ".
Phản bác những người thúc đẩy quân đội Lebanon đối đầu với Hezbollah, ông Afif nói: "Các bạn sẽ không thể cắt đứt mối liên hệ giữa quân đội và lực lượng Hezbollah". Ông Afif sau đó đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại Beirut vào Chủ nhật.
Khi được Reuters hỏi về vai trò của quân đội Lebanon, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể bình luận về "các cuộc đàm phán riêng tư". Cả quân đội Lebanon, lực lượng Hezbollah và quân đội Israel đều không đưa ra bình luận về các nguồn tin trên.
Israel tuyên bố trao thưởng “hậu hĩnh” cho người dân tại Gaza
Trong bài phát biểu tại Dải Gaza hôm 19/11, ông Netanyahu khẳng định, Hamas sẽ không kiểm soát Dải Gaza hậu xung đột, trong một tuyên bố mà theo tờ Times of Israel nhận định là dường như bác bỏ những nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn với Hamas. Thủ tướng Israel cũng nhắc lại lời đề nghị sẽ trả hậu hĩnh cho những người dân Gaza nào giúp giải cứu con tin Israel, tăng phần thưởng lên 5 triệu USD cho mỗi người.
Trước đó, ông từng nói, Israel sẽ chi "vài triệu USD" cho việc giải cứu những con tin này. Họ đã bị giam giữ hơn 13 tháng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, thổi bùng xung đột.
“Bất kỳ ai dám làm hại con tin, chúng tôi sẽ truy đuổi và bắt giữ”, ông Netanyahu cảnh báo.
Bài phát biểu diễn ra sau khi ông Netanyahu đến thăm hành lang Netzarim, một vành đai chạy dọc theo chiều rộng của Dải Gaza, nơi quân đội Israel đã đồn trú trong nhiều tháng, kiểm soát lối qua lại giữa 2 nửa Nam - Bắc của dải đất.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Israel đang tiến hành một cuộc tấn công vào miền Bắc Gaza nhằm loại bỏ những nỗ lực khôi phục tổ chức của Hamas. Hamas đã thả 105 con tin trong một tuần ngừng bắn vào cuối tháng 11/2023, cũng như 4 con tin trước đó...
Ông Netanyahu nhấn mạnh, Israel có thể tiếp tục chiến đấu và giải cứu những người bị bắt còn lại, mặc dù các nhà trung gian khẳng định rằng cách tốt nhất để giải cứu các con tin là thông qua một thỏa thuận.
Các báo cáo trong những ngày gần đây cho thấy, các quan chức quốc phòng cấp cao đồng tình với giải pháp hòa giải.