Thúc đẩy tài chính xanh: ‘Chìa khóa’ cho tăng trưởng bền vững
Sáng 27/11, tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
Tọa đàm có sự tham gia của Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương; Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước; TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; TS. Lê Hải Trung - Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng; ông Phạm Ngọc Khang - Tổng Giám đốc, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cùng đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các bộ ngành.
Tọa đàm "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" |
Phát biểu tại hội thảo "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam", Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyên đề quan trọng về định hướng phát triển của đất nước: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đã yêu cầu đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung thảo luận các vấn đề: Phát triển tài chính xanh đóng góp vào tăng trưởng xanh và bền vững tại Việt Nam; Xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp; Tạo lập hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực cho hoạt động, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế khi Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và mục tiêu này tiếp tục được nhấn mạnh tại COP 28.