
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 02/12/2023 19:18
Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg, ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ với định hướng phát triển như sau: “Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.
Cùng với đó, tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại; phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu vào các thị trường FTA có dành ưu đãi cho mặt hàng gạo; từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trường.
![]() |
Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo. Ảnh: Tân Long |
Trong hơn 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có những sự đột phá và ấn tượng trên toàn cầu. Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc nhóm tương đối cao (trên 3 tỷ USD), đứng thứ 18 trong 35 thành viên và đứng thứ 18 trong 21 thành viên đạt trên 3 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2023 đã vượt lên đứng thứ 13/30 các mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD.
Đơn cử, tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu gạo thu về 3,65 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2023 đạt 3,66 tỷ USD - tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến năm 2023, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống. Trong đó, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là khu vực xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là khu vực thị trường châu Âu, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 84,5 nghìn tấn, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực thị trường châu Phi cũng ghi nhận sự tăng trưởng, xuất khẩu gạo đạt hơn 631 nghìn tấn, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng ghi nhận những con số xuất khẩu ấn tượng. Trong đó, gạo Việt xuất khẩu sang các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), đạt 4,24 triệu tấn, tương đương 2,25 tỷ USD, tăng 31,4% về lượng, tăng 46,3% trị giá.
![]() |
Xuất khẩu gạo tại các thị trường FTA ghi nhận những con số ấn tượng. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt, chiếm 40,3% trong tổng lượng và chiếm 38.8% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, chiếm 13,5% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch. Đứng thứ 3 là thị trường Indonesia đạt 718.000 tấn, trị giá 361,25 triệu USD, tăng 1.459% về lượng và tăng 1.506% trị giá.
Bên cạnh RCEP, xuất khẩu sang các thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 399.994 tấn, tương đương 212,54 triệu USD, tăng 6% về lượng, tăng 14,8% trị giá.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm tại thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023 dao động ở mức 613 - 617 USD/tấn; giá gạo 20% tấm ở mức 598 - 602 USD/tấn. Theo các chuyên gia, cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn, trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Cùng với những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức do tình hình thế giới diễn biến bất thường ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường, đồng thời tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.
![]() |
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy |
“Nếu chúng ta ko có dự báo và chiến lược thì sự xuất nhập khẩu giữa lúa gạo của chúng ta và mì của Ukraine, nguyên liệu cho phân bón sẽ bị trục trặc, ảnh hưởng đến các hiệp định chúng ta đã ký kết. Phải lấy an ninh lương thực ở trong nội địa để làm trụ cột. Lượng thóc lúa gạo để phục vụ cho giống chăn nuôi và hàng hóa phải có thông tin chặt, kịp thời, để đảm bảo sự hài hoà và tránh những sự biến động lớn của đất nước và dựa vào sự biến động đó thì rất dễ làm ảnh hưởng đến thị trường nội địa, những người tiêu dùng.” - theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ chia sẻ.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam thông qua chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, chương trình thương hiệu quốc gia để phù hợp với tín hiệu thị trường và tạo điều kiện để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Nổi bật, sau 2 năm xuất khẩu gạo vào EU theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), tháng 9/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã trình làng gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” tại những hệ thống siêu thị lớn của Pháp và đến nay tiếp tục củng cố vị trí, thương hiệu gạo Việt tại thị trường này. Thông tin từ Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Tập đoàn hiện là doanh nghiệp sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn EU với sản lượng lớn nhất Việt Nam, khoảng 90% xuất đi EU là gạo sản xuất ở Lộc Trời với bà con nông dân đã được huấn luyện thuần thục các quy trình và tập trung chủ yếu ở tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Hiện nay, gạo vào thị trường EU chia làm 3 loại. Với gạo được miễn thuế xuất vào EU 200€/tấn, Việt Nam được miễn thuế trên sản lượng 80 ngàn tấn gạo xuất khẩu vào thị trường EU, trong đó sản lượng của Lộc Trời đạt gần 60 ngàn tấn. Với gạo không được miễn thuế, Lộc Trời cũng xuất khẩu một số lượng gạo này vào EU và chịu thuế 200€/tấn. Có thể nói, đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh.
![]() |
Thương hiệu Cơm Vietnam Rice của Lộc Trời được bán tại siêu thị của Pháp |
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Để đáp ứng về thương hiệu – bản chất chính là lời hứa, lời cam kết về chất lượng thì phải có sự liên kết sâu với người nông dân trồng lúa, với giống canh tác để sản xuất ra gạo trên thị trường. Điều kiện cần là phải có hệ sinh thái và sự liên kết toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Với châu Âu, do đây là thị trường có giá bán cao, đảm bảo cho cả người nông dân và doanh nghiệp có được lợi nhuận nên việc đảm bảo sự bén rễ tại châu Âu, chúng ta phải có “rễ”, tức là đảm bảo bền vững, bảo vệ sức khoẻ của nông dân, truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện quan trọng nhất”.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp giữa hình thức truyền thống và trực tuyến nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA…
![]() |
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Song hành cùng cơ quan quản lý nhà nước, để tận dụng tối đa cơ hội cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam cần chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, tiếp tục xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt thông qua các chương trình xúc tiến thương mại gạo, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.