Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực ở nơi trụ cột của nền kinh tế
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng, lãng phí là một thứ “giặc nội xâm” cần phải loại bỏ, ngăn chặn. Đối với ngành Công Thương, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất ngày 31/5- 5/6/1956, Người cũng căn dặn cán bộ của ngành “phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường...
Công tác chống lãng phí được Bộ Công Thương triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả |
Thấm nhuần lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt, những thông điệp rõ ràng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí như một “hồi trống lệnh” đòi hỏi công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Mỗi ngành, mỗi địa phương, trong phạm vi quản lý của mình đều phải cần nêu cao tinh thần chủ động, quyết liệt. Hơn bao giờ hết, thông điệp này cần phải được triển khai quyết liệt nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Từ những yêu cầu của thực tiễn và góp phần lan tỏa hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Báo Công Thương tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”.