Trải nghiệm lạ ở làng rắn Vĩnh Sơn
Sợ hãi đến bủn rủn chân tay là cảm giác đầu tiên ập đến khi chúng tôi bước chân vào nhà nuôi 1.500 con rắn của chị Nguyễn Thị Thu, Thôn 1, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tiếng phì phì liên tiếp bủa vây bốn phía cùng cú mổ nhanh như chớp của những con rắn hổ mang mắt kính đói mồi to như cổ tay khiến nỗi sợ bản năng tăng lên gấp nhiều lần.
Khen chúng tôi dũng cảm khi dám bước vào nhà nuôi rắn, chị Thu cười vui vẻ nói, đã có nhiều Tiktoker, khách du lịch bỏ chạy ngay khi nhìn thấy những con hổ mang dữ dằn ngóc cao cổ, mang bành ra, cất tiếng phì đầy đe doạ.
Chị Thu cho biết, mùa này rắn chuẩn bị ngủ đông nên yếu nhưng khá nguy hiểm vì lượng nọc độc cô đặc, từ khoảng tháng 3 đến tháng 10, rắn ăn, cũng là thời điểm rắn sinh trưởng mạnh nhất. Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 3 năm sau, rắn ngủ đông, hầu như không ăn, người nuôi chỉ phải đảm bảo nhà nuôi luôn duy trì nhiệt độ ở mức 27 độ C, giữ chuồng rắn sạch sẽ thoáng khí.
Rời nhà chị Thu, chúng tôi gặp ngay bác Hạ Văn Hải - người có thâm niên hơn 40 năm nuôi rắn. Bác nói, với con rắn nếu quen nết thì dễ nuôi. Người nuôi phải hiểu chu kỳ sinh trưởng, thức ăn đảm bảo và quan sát sức khoẻ của loài rắn. Mở cửa nhẹ nhàng cho chúng tôi bước vào nhà rắn bác Hải giải thích: “Vì rắn đang ngủ đông, cần che kín chuồng, đóng kín cửa, tránh âm thanh mạnh làm rắn tỉnh”.
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Sơn, nghề này có đến suýt soát trăm năm; xã có 6 nghệ nhân, hơn 10 thợ giỏi. Cụ nghệ nhân cao tuổi nhất đã ngoài 90. Toàn xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 650 hộ chăn nuôi rắn. Tổng đàn rắn có khoảng 231.000 con; rắn thương phẩm xuất bán ước đạt 80 tấn giá trị ước đạt 53 tỷ đồng; trứng rắn xuất bán ước đạt 52 tỷ đồng. Giá trị chăn nuôi rắn đã trừ chi phí năm 2024 ước đạt 97,5 tỷ đồng.
Nghề nuôi rắn cho thu nhập cao nhưng cũng rất nguy hiểm, để hỗ trợ bà con đảm bảo an toàn, UBND xã Vĩnh Sơn đã phối hợp với hiệp hội làng nghề, Chi cục Kiểm lâm của tỉnh, Khoa chống độc của bệnh viện Bạch Mai và một số nhà khoa học tổ chức tập huấn cho người dân cách sơ cứu trước khi đưa bến bệnh viện khi bị rắn cắn.
Hiện Vĩnh Sơn có định hướng phát triển nghề rắn nhưng không ồ ạt mà đi vào chuyên nghiệp hoá. UBND xã mở một cụm công nghiệp quy mô khoảng 20ha, giai đoạn 1 đã thu hồi hơn 2ha và đang thi công hạ tầng. Xã sẽ di dời bớt các hộ chăn nuôi có quy mô lớn ra khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời tránh tình trạng rắn sổng chuồng gây nguy hiểm cho người dân. Mặt khác, xã khuyến khích chăn nuôi rắn theo quy mô trang trại, có đầu tư hệ thống máy móc đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho vật nuôi.