Toàn cảnh thời sự quốc tế 12/11: Ông Donald Trump công bố Ngoại trưởng mới, Israel nhờ Nga 'cứu cánh' tại Lebanon
Ukraine ‘chặn đứng’ 50.000 lính Nga tại Kursk
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Nga đã triển khai gần 50.000 quân tới Kursk, khu vực phía nam nước Nga, nơi Kiev phát động cuộc phản công bất ngờ vào mùa hè.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP. |
Quân đội Ukraine tiếp tục chặn "nhóm quân địch gần 50.000 người" ở Kursk, ông Zelensky cho biết trong một bài đăng trên Telegram sau khi nhận được báo cáo tóm tắt từ Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine.
Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra một ngày sau khi tờ The New York Times đưa tin rằng Moscow đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công vào khu vực Kursk với lực lượng 50.000 quân.
Kiev đã phát động cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga vào tháng 8, khiến không chỉ Moscow mà cả các đồng minh của họ bất ngờ. Vào thời điểm đó, họ nói rằng hoạt động này là cần thiết, vì Nga đã có kế hoạch phát động một cuộc tấn công mới vào Ukraine từ khu vực này. Họ nói rằng họ đang nhắm đến việc tạo ra một "vùng đệm" để ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới trong tương lai.
Cuộc tấn công Kursk đã khiến Moscow hoàn toàn không kịp chuẩn bị.
Người Ukraine đã nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ Nga và từ đó duy trì quyền kiểm soát hàng trăm dặm vuông lãnh thổ Nga. Và trong khi Nga đã giành lại một số khu định cư, thì ranh giới kiểm soát hầu như không thay đổi trong những tháng qua.
Cuộc tấn công Kursk cũng nhằm mục đích ngăn chặn kế hoạch của Nga để tiến công vào tỉnh Sumy, để tạo ra một "vùng đệm" ở phía bắc Ukraine, và kéo lực lượng Nga ra khỏi tỉnh Donetsk, nơi Moscow vẫn đang tiến quân đều đặn, quân đội Ukraine cho biết.
Theo Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi, lực lượng Nga đã phải chịu 7.905 binh sĩ thiệt mạng, 12.220 người bị thương và 717 người bị bắt trong ba tháng diễn ra cuộc tấn công Kursk.
Ông Zelensky trước đó đã nói rằng, nếu Ukraine được phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống lại các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, họ có thể nhắm mục tiêu trước vào "mọi trại lính" ở Nga.
Pháp lạc quan về tương lai của Ukraine dưới chính quyền ông Trump
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho rằng không nên vội kết luận về chính sách của Mỹ dưới thời ông Donald Trump đối với xung đột ở Ukraine.
Cụ thể, trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình ngày 11/11, ông Barrot tuyên bố: "Tôi tin rằng chúng ta không nên phán đoán trước bất cứ điều gì về lập trường hay sáng kiến dưới thời chính quyền mới ở Mỹ. Chúng ta cần dành thời gian để làm việc với chính quyền đó", đề cập về chính sách tương lai của Mỹ với xung đột ở Ukraine.
Ngoại trưởng Barrot khẳng định, Pháp sẵn sàng phối hợp với Mỹ về vấn đề Ukraine, cho rằng cần tiếp tục cung cấp cho Kiev các phương tiện để "giành chiến thắng" trước Moscow.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen cũng phát biểu tại diễn đàn rằng bà hy vọng "vẫn có một số tin tốt từ Mỹ trong năm nay", dường như đề cập thông tin Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington sẽ giải ngân 6 tỷ USD viện trợ còn lại cho Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã chỉ trích khoản viện trợ 175 tỷ USD mà Mỹ cam kết dành cho Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột năm 2022. Tổng thống đắc cử Mỹ nhiều lần tuyên bố có thể xử lý cuộc xung đột này trong 24 giờ, nhưng không nêu biện pháp cụ thể.
Báo Mỹ hôm 11/11 đưa tin, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về xung đột Ukraine, song Điện Kremlin bác bỏ thông tin này.
Israel kêu gọi Nga giúp đỡ đàm phán hòa bình tại Lebanon
Theo Reuters, Giới chức Israel cho biết hôm thứ Hai rằng đã có tiến triển trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Lebanon, và ám chỉ rằng Nga có thể đóng vai trò bằng cách ngăn chặn Hezbollah tái vũ trang thông qua Syria, mặc dù nhóm được Iran hậu thuẫn này cho biết họ chưa nhận được bất kỳ đề xuất ngừng bắn mới nào.
Sau khi bị tấn công dữ dội bởi Israel, Hezbollah cho biết các cuộc tiếp xúc chính trị đang diễn ra với sự tham gia của những người ủng hộ họ ở Tehran, Washington và Moscow, đồng thời cũng cho biết họ có đủ vũ khí cho một "cuộc chiến dài" và sẽ tiếp tục bắn tên lửa vào Israel.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, Gideon Saar, cho biết cuộc chiến chống lại Hezbollah vẫn chưa kết thúc. Ông cho biết thách thức chính đối với bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào sẽ là việc thực thi thỏa thuận đó, mặc dù đã có "một số tiến triển" trong các cuộc đàm phán.
Sau các vòng đàm phán ngoại giao do Mỹ dẫn đầu trước đó không có kết quả nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Lebanon, một số nhà bình luận chính trị đang thấy có hy vọng mới khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị rời Nhà trắng vào tháng 1, với ông Donald Trump được bầu thay thế ông. Trong khi đó, hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza đã phải thất bại nặng nề, khi Qatar vừa tuyên bố đình chỉ vai trò trung gian của nước này.
Xung đột tại biên giới Lebanon - Israel bùng phát từ cuộc chiến ở Gaza. Vào tháng 9 vừa qua, Israel đã không kích nhiều khu vực trên diện rộng tại Lebanon và đưa quân vào phía nam nước này.
Ông Saar, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jerusalem, cho biết Israel đang làm việc với Mỹ về 1 lệnh ngừng bắn. Israel muốn Hezbollah rút lui về phía bắc sông Litani - cách biên giới khoảng 20 dặm (30 km) - và không được phép tái vũ trang, ông cho biết.
Ông Saar cũng cho biết nguyên tắc cơ bản cho bất kỳ thỏa thuận nào phải là Hezbollah không được phép mang vũ khí từ Syria vào.
"Và như các bạn đã biết, người Nga hiện diện ở Syria. Và nếu họ đồng ý với nguyên tắc này, tôi nghĩ họ có thể đóng góp hiệu quả vào mục tiêu này."- Ông Saar khẳng định.
Ông Donald Trump công bố ứng cử viên “cứng rắn” cho chức vụ Ngoại trưởng Mỹ
Theo các nguồn tin,Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một chính trị gia gốc Mỹ Latinh, cho vị trí ngoại trưởng.
Với lựa chọn này, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người sinh ra ở Florida, dự kiến sẽ trở thành người gốc Mỹ Latinh đầu tiên giữ chức vụ thủ lĩnh ngoại giao của nước Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2025.
Ông Rubio được cho là ứng cử viên "diều hâu nhất" trong danh sách rút gọn của ông Trump cho vị trí ngoại trưởng. Ông Rubia luôn ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn đối với các đối thủ địa chính trị của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong vài năm qua, ông Rubio đã nới lỏng một số lập trường của mình để phù hợp hơn với quan điểm của Tổng thống đắc cử Trump. Ông Trump từng cáo buộc các tổng thống Mỹ trước đây đã dẫn dắt nước Mỹ vào các cuộc chiến tranh tốn kém và vô ích, đồng thời thúc đẩy chính sách đối ngoại kiềm chế hơn.
Thượng nghị sĩ Rubio đã phục vụ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ông từng trong danh sách rút gọn những người được chọn làm liên danh tranh cử với ông Trump và nếu được đề cử cho vị trí ngoại trưởng, ông Rubio sẽ không khó khăn gì trong việc được Thượng viện phê chuẩn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính quyền mới sẽ đối mặt bài toán khó khăn hơn với một thế giới bất ổn và nguy hiểm hơn so với thời điểm ông Trump nhậm chức vào năm 2017, khi các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.
Cuộc xung đột Ukraine sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của ngoại trưởng tương lai Rubio. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, vị chính trị gia 53 tuổi này đã nói rằng Ukraine cần tìm kiếm một giải pháp đàm phán với Nga thay vì tập trung vào việc giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Moscow đã kiểm soát trong thập niên qua.