Thương mại điện tử - 'Đòn bẩy' thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt
Từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn thương mại điện tử đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng. Đây còn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và từng bước hiện thực hóa khát vọng hội nhập kinh tế quốc tế, đưa giấc mơ hàng Việt vươn xa toàn cầu.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
![]() |
Một phiên livestream bán hàng thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Bảo Anh |
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội do thương mại điện tử mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với 3 khó khăn cốt lõi khi tham gia thị trường thương mại điện tử. Đó là vấn đề về công nghệ- chuyển đổi số, sự kiên trì, bền bỉ và chỉ dấu đưa hàng Việt Nam vươn mình ra thế giới.
Theo đó, hàng Việt Nam tuy có tính chất, đặc thù riêng nhưng do quy mô của doanh nghiệp sản xuất rất nhỏ so với toàn cầu nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp sự phát triển của chuyển đổi số. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp cũng chưa nhìn thấy rủi ro trong việc không hòa mình vào cuộc chuyển đổi số. Thậm chí, nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số thì sẽ tụt hậu, người tiêu dùng sẽ bỏ đi.
Để đẩy mạnh đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã tổ chức thường niên chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday”.
Chương trình đã được tổ chức từ năm 2014 đến nay, với mục tiêu tạo ra nền tảng kết nối các doanh nghiệp với nhau. Trong đó kết nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị hạ tầng, kết nối nhà bán hàng với người tiêu dùng... tạo môi trường để các doanh nghiệp kinh doanh. Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra những mục tiêu thúc đẩy thương hiệu sản phẩm Việt.
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Online Friday 2024 với 60 giờ mua sắm trên toàn quốc, đã quy tụ hơn 500 thương hiệu, 3.000 nhà bán hàng và trên 100.000 sản phẩm ưu đãi hấp dẫn.
Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng với nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới. Chắc chắn sẽ có thêm doanh nghiệp mới tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Do vậy, để chủ động nâng cao sức cạnh tranh cùng khả năng phòng vệ, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đầu tư cải tiến trang thiết bị, nhanh nhạy hơn trong nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, từ đó tập trung sản xuất những mặt hàng có lợi thế, đồng thời quan tâm nhiều hơn tới chính sách bán hàng, chính sách hậu mãi.
Bên cạnh đó, thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các dịch vụ chuyển phát của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phát triển.