Tạo hành lang pháp lý cho thương mại điện tử xuyên biên giới
Với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thương mại qua mạng xã hội, các mô hình thương mại điện tử ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt.
Các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành và các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vừa qua, hàng loạt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein… chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Điều này tạo điều kiện cho hàng giá rẻ từ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, tạo cạnh tranh thiếu bình đẳng.
Để khắc phục những khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, Dự thảo Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương dự thảo nêu rõ, thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.
Dự thảo Luật Thương mại điện tử cũng quy định, thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số thương mại điện tử có trách nhiệm tương tự như người bán trong nước trên nền tảng số thương mại điện tử; đảm bảo xác thực thông tin về người bán và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn, kỹ thuật của sản phẩm khi bán vào thị trường Việt Nam.