Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị ngành Công Thương tiếp tục đàm phán, thiết lập các FTA mới
Làm việc với Bộ Công Thương vào chiều 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế; khẳng định và thực hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội; phát huy và thúc đẩy những thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế toàn cầu biến động khó lường, nhiều tồn tại vướng mắc tích tụ từ lâu, nhưng những năm qua, đặc biệt trong 8 tháng năm 2024, toàn ngành Công Thương đã nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước. Đến hết tháng 8, ngành Công Thương đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Trong 8 tháng qua, nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng luôn được quan tâm. Ngành điện tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn và lưới điện lớn đi vào hoạt động, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Không những vậy, hoạt động ngoại thương tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế khi xuất khẩu của nước ta đã thoát khỏi vòng xoáy suy giảm và phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 265 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Một điểm sáng nữa của toàn ngành là sản xuất công nghiệp cả năm 2024 tăng trưởng từ 7-8%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%. Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp có thể vượt kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế; khẳng định và thực hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội; phát huy và thúc đẩy những thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương đang phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức, về nhu cầu điện năng, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Cùng đó, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.
Cho rằng phía trước còn nhiều vấn đề phức tạp, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nội luật hóa luật pháp quốc tế cũng là thách thức, hàng loạt cam kết phải thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, đồng hành để ngành Công Thương hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, trong bối cảnh khu vực, quốc tế và trong nước còn rất nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Bộ Công Thương và toàn ngành Công Thương đã đóng góp lớn cho thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm. Trong đó chú trọng việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiến tạo, mở đường cho phát triển.
Cùng với đó, tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Ngành công thương cần khẳng định và phát huy vai trò chủ lực.
Đặc biệt, đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong duy trì, thúc đẩy và phát triển tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06; tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đối với các kiến nghị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp và tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, những dự án tồn đọng khơi thông để phát triển; xây dựng những chính sách mới, mở đường cho phát triển… dựa trên quan điểm luôn đồng hành cùng ngành Công Thương, cùng nhau đóng góp vào kết quả chung của đất nước. Phó Thủ tướng tin rằng, ngành Công Thương sẽ “tâm vững, chí bền, cùng nhau phối hợp hành động để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Chính phủ, nhân dân giao phó.