Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 25/12/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Ngành Công Thương nỗ lực bứt phá, đóng góp toàn diện trong thành công chung của cả nước; Bộ Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Xây dựng chiến lược, nắm bắt thông tin để thúc đẩy xuất khẩu sang Mexico.
Ngành Công Thương nỗ lực bứt phá, đóng góp toàn diện trong thành công chung của cả nước
“Năm 2024, nước ta đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt khoảng 7%, thuộc nhóm ít quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong thành công chung, có sự đóng góp hết sức quan trọng, toàn diện của ngành Công Thương”.
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.
Chiều ngày 23/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, ghi nhận và chúc mừng Lãnh đạo Bộ Công Thương, nguyên Lãnh đạo Bộ Công Thương, cùng toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương trước các thành tích đạt được trong năm 2024.
Phó Thủ tướng đánh giá cao báo cáo tổng kết phong phú, đa dạng, xúc tích và toàn diện, chi tiết những kết quả đạt được năm 2024 của toàn ngành Công Thương. Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng tình với các ý kiến đề xuất, đề nghị của các đại diện, đơn vị trong ngành và địa phương. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu, hiện thực hoá trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
Tiếp thu những phát biểu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cảm ơn những chỉ đạo sâu sắc của Phó Thủ tướng và cho biết, ngành Công Thương sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, nhân dân giao phó.
Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động với các vấn đề như chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị và thảm họa thiên tai liên tiếp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và sự nỗ lực của ngành, Việt Nam đã vững vàng vượt qua thử thách.
Cùng với cả nước, ngành Công Thương cũng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế yếu kém và vấn đề đặt ra cho Ngành cần phải tập trung giải quyết. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có cả khách quan và chủ quan.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao; Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này; đồng thời, tập trung thực hiện tốt nhiều nội dung, giải pháp.
Nhìn về phía trước, dù còn nhiều khó khăn, ngành Công Thương vẫn có những cơ hội lớn để phát triển. Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành Công Thương sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong những năm tới.
Bộ Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ngành Công Thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế, do đó nếu làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiêm túc triển khai thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được kết quả bước đầu. Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng 23/12 tại Hà Nội, Báo Công Thương tổ chức Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển. Phát biểu khai mạc diễn đàn. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, là một bộ kinh tế đa ngành, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo và các công chức viên chức của Bộ Công Thương không chỉ bám sát và tuân thủ những chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế ngành mà còn nhận thức sâu sắc về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Công Thương cũng đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lãnh phí, thực hành tiết kiệm.
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của cả nước, góp phần chống lãng phí, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.
Mặc dù đã đạt kết quả bước đầu song Bộ Công Thương xác định phải tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tại Diễn đàn, đại diện các Bộ, Ban ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, các hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tập trung phân tích, làm rõ thực trạng, thảo luận những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ kinh nghiệm về lý luận cũng như thực tiễn; đề xuất các giải pháp thiết thực đẩy mạnh phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, tạo sự phát triển đột phá của ngành Công Thương trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thông qua diễn đàn đã góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; đồng thời giúp Bộ Công Thương nói riêng và các Bộ ngành, địa phương nói chung tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Xây dựng chiến lược, nắm bắt thông tin để thúc đẩy xuất khẩu sang Mexico
 |
Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực Đông Nam Á. |
Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Mặt khác, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% nên vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mexico không ngừng được mở rộng, phát triển; đặc biệt kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết và đi vào hiệu lực kể từ đầu năm 2019.
Là nền kinh tế phát triển năng động, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Song song đó, Việt Nam cũng trở thành một thị trường mới nổi được các doanh nghiệp Mexico ngày càng quan tâm. Hiện nay, Mexico là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mexico tại khu vực châu Á.
Với lợi thế đều là thành viên CPTPP, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cà phê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô vào Mexico thời gian gần đây đạt mức tăng trưởng khá cao từ 27-65%.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mexico đạt hơn 10 tỷ USD. Theo số liệu của Hải quan Mexico, 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mexico đạt mức 10 tỷ USD (tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái).
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm tới việc tăng cường trao đổi thương mại với thị trường Mexico giàu tiềm năng. Đây là thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh. Mặt khác, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại Mexico mới chỉ đạt con số khiêm tốn khoảng 1,3% nên vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng.
Cơ hội, tiềm năng là vậy, song để tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP mang lại, điều tiên quyết là tiếp cận thị trường doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.
Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi, bản thân doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thị trường, kể cả những thông tin cơ bản nhất. Hơn nữa, một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không có phương pháp tiếp cận thị trường. Cùng đó, hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn nước ngoài cũng như không nắm bắt về các tiêu chuẩn thị trường khiến doanh nghiệp để lỡ cơ hội có thể kết nối được đối tác mua hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, Mexico kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương, có bờ biển dài nên rất thuận lợi cho giao thương và vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Để đạt được hiệu quả kinh tế trong giao thương hàng hoá, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng chuỗi dịch vụ logistics tích hợp: khai báo hải quan, vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế, kho bãi...
Đồng thời, tối ưu vận tải, sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí vận chuyển nội địa; sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nâng cao năng lực sản xuất.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đạt được nhiều kết quả rất tích cực và ngoài điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi, nhiều doanh nghiệp cũng đã hết sức nỗ lực.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trình độ và hiệu quả cao khi xuất khẩu sang thị trường này, bởi một số đơn vị không nắm được khách hàng, kể cả những thông tin cơ bản nhất thậm chí có thể tự tìm kiếm được.
Mặt khác, một số doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tốt nhưng không quen phương pháp tiếp cận thị trường và phương pháp tìm kiếm thông tin trên thị trường ấy.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp Việt cần có chiến lược xúc tiến thương mại bài bản, tận dụng công nghệ để tối ưu chu trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và xây dựng liên kết thị trường. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị hiếu và xu hướng tiêu dùng tại thị trường Mexico để nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị phần hàng Việt.