Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 28/12/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành công nghiệp phải đột phá, quyết liệt để đạt tăng trưởng 12-13% năm 2025; xây dựng chiến lược dài hạn để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường Á - Phi; quyết liệt hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Ngành công nghiệp phải đột phá, quyết liệt để đạt tăng trưởng 12-13% năm 2025
 |
Ngành công nghiệp phải đột phá, quyết liệt để đạt tăng trưởng 12-13% năm 2025 |
Để góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước năm 2025, dự kiến tăng trưởng 8% trở lên. Đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hai con số theo định hướng của Đảng, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá đó là một thách thức lớn, đòi hỏi ngành thực sự phải đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động.
Chiều 27/12, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo Cục Công nghiệp, năm 2024, đơn vị này đã chủ động thực hiện tốt công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu của ngành Công Thương trong năm 2024.
Những nỗ lực của Cục Công nghiệp và Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng để sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).
Trong năm 2024, Cục Công nghiệp đã tiếp tục triển khai các nội dung: Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, cụ thể Cục Công nghiệp đã báo cáo Lãnh đạo Bộ lấy ý kiến Bộ, ngành và đăng tải thông tin về dự thảo mới nhất của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm để trình Chính phủ cho ý kiến. Dự kiến sẽ đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2025-2026 của Quốc hội.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, công nghiệp là một trong các ngành sản xuất vật chất, đóng vai trò quan trọng và quyết định sự tăng trưởng của kinh tế đất nước. Chính vì vậy Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến lĩnh vực này. Trong năm vừa qua, ngành công nghiệp đạt được những thành tựu rất quan trọng và tăng trưởng ngoạn mục.
Năm 2025 là một năm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ đây là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và cũng là nền tảng cho những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu 5 giải pháp trong năm 2025, trong đó, quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội, nhất là những định hướng để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo hướng ứng dụng mạnh khoa công nghệ đổi mới sáng tạo; phát triển nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trở lên.
Để góp phần đạt được tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước năm 2025, dự kiến tăng trưởng 8% trở lên. Đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP hai con số theo định hướng của Đảng, ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%. Đó là một thách thức lớn, đòi hỏi ngành thực sự phải đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động.
Xây dựng chiến lược dài hạn để khai thác tối đa tiềm năng của thị trường Á - Phi
 |
Năm 2024, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam |
Năm 2024, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023. Đây là thị trường rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam khai phá và phát triển.
Sáng 27/12, tại trụ sở Bộ Công Thương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Năm 2024, công tác phát triển thị trường của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhưng không đáng kể. Chưa kể, chiến tranh, xung đột chính trị xảy ra ở nhiều nơi tác động mạnh đến kinh tế thương mại của Việt Nam với các nước và ngược lại.
Thêm vào đó, năm 2024, Việt Nam đã bị khởi kiện 270 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó thị trường châu Á, châu Phi chiếm 146 vụ, hơn 54%...
Dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2024 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường châu Á - châu Phi vẫn tăng trưởng ấn tượng, đóng góp lớn vào kết quả xuất nhập khẩu của toàn ngành và của cả nước.
Năm 2024, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 66,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đánh giá cao những nỗ lực, những kết quả đạt được của Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, những thành tích này đóng góp lớn vào kết quả chung của toàn ngành Công Thương và của cả nước.
Đây sẽ là nền tảng, là bản lề giúp ngành Công Thương tăng tốc, bứt phá để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cũng theo Thứ trưởng, thị trường châu Á, châu Phi là thị trường rất tiềm năng, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam khai phá và phát triển. Tuy nhiên, phát triển như thế nào, khai phá ra sao là một câu hỏi lớn, một bài toán khó đặt ra không chỉ cho Vụ Thị trường châu Á - châu Phi mà còn là bài toán chung của các đơn vị liên quan.
Liên quan đến công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và địa phương, Thứ trưởng đề nghị Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu cùng các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác, đoàn doanh nghiệp theo chuyên đề, theo ngành hàng thế mạnh để thu hút sự tham gia của Sở Công Thương các địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường châu Á - châu Phi trong năm 2025, Thứ trưởng cũng chỉ đạo đơn vị cần tập trung vào công tác phòng vệ thương mại, chủ động hơn trong việc cập nhật cung cấp thông tin thị trường để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo Bộ có chính sách phản ứng kịp thời, vừa bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu.
Quyết liệt hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2025
 |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao các thành tích mà Cục Xuất nhập khẩu đã làm trong suốt năm qua |
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao, đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Năm 2024, trong một bối cảnh kinh tế vĩ mô tích cực hơn so với năm 2023 cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các bbộ, ngành và những nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, xuất nhập khẩu năm 2024 đã hồi phục mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số ước liên Bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 379,6 tỷ USD, tăng 16,3%. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Trong thành tích ở trên, có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có vai trò của Cục Xuất nhập khẩu. Theo đó, trong năm qua, Cục Xuất nhập khẩu đã xây dựng, trình Lãnh đạo Chính phủ ban hành 02 Nghị định và 09 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đồng thời, đã tham mưu lãnh bộ xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2050. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng phối hợp với các đơn vị trong công tác điều hành xuất khẩu gạo trước bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp;…Trong năm 2025, Cục Xuất nhập khẩu đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Xuất nhập khẩu diễn ra chiều 26/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao các thành tích mà Cục Xuất nhập khẩu đã làm trong suốt năm qua đồng thời đề gợi mở những nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025 với đơn vị.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đưa ra những nhận định, đóng góp những ý kiến đối với các mục tiêu, chương trình cũng như gợi mở thêm những giải pháp để Cục Xuất nhập khẩu có thể hoàn thành nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025.