Kỳ 3: Đánh bạc trên sông Hồng từng có bảo kê, bị bắt đi tù
Trong ngày 27 và 28/5, Báo Công Thương đã có loạt bài phản ánh về sới bạc khủng trên những con “tàu ma” giữa sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Chiều 28/5, Báo Công Thương đã phối hợp, làm việc với các cơ quan chức năng TP. Hà Nội và bàn giao tài liệu gồm hàng chục video ghi lại hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc của ổ nhóm tội phạm nguy hiểm này. Hiện các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đang khẩn trương xác minh, làm rõ sự việc.
Ngày 29/5, trả lời Báo Công Thương, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, đã nắm được thông tin Báo Công Thương phản ánh và đang tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xác minh, xử lý.
Những con “tàu ma” giữa sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm và quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội |
Những năm qua, Bộ Công an và Công an các địa phương đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên dòng sông Hồng, trước đó Công an các địa phương đã triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm nguy hiểm liên quan tới hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Đơn cử tháng 8/2023, Công an huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã huy động hơn 40 cán bộ, chiến sĩ tổ chức vây bắt 16 đối tượng đang đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa ăn tiền trên một nhà phao nổi liên kết với 1 chiếc thuyền kéo tại khu vực Sông Hồng (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường).
Tại hiện trường, Công an thu giữ 647 triệu đồng, 17 điện thoại di động, 2 xe ô tô, 1 nhà phao nổi, 1 chiếc thuyền kéo, 1 khẩu súng quân dụng loại K59 cùng 1 hộp tiếp đạn bên trong có 5 viên đạn và các tang vật liên quan khác.
Đầu năm 2016, Công an tỉnh Lào Cai cũng triệt phá một ổ nhóm đánh bạc quy mô lớn trên dòng sông này. Đó là sới bạc được tổ chức trên nhà nổi Thùy Linh, neo đậu ở mép sông Hồng thuộc địa phận thôn Bảo Vinh, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Sới bạc này do Lự Hồng Quảng (SN 1988, trú bản Tắp 4, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) là chủ sới đứng ra tổ chức, có bố trí người canh gác và rất nhiều camera giám sát.
Theo Công an tỉnh Lào Cai, mỗi ngày sới bạc tổ chức 3 canh: Canh một từ 12h -14 giờ 30 phút, canh 2 từ 14 giờ 30 phút – 17 giờ và canh 3 từ 21 giờ – 23 giờ. Mỗi canh bạc Quảng thu phế 200.000 đồng/một đối tượng. Thời điểm các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Lào Cai ập vào là khoảng 14 giờ ngày 3/1/2024, có 62 đối tượng đang say sưa sát phạt nhau trên sới bạc.
Ngay tại khúc sông Hồng nơi Báo Công Thương thâm nhập và phản ánh về hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, mới năm ngoái, cơ quan chức năng đã bóc gỡ một đường dây đánh bạc quy mô lớn. Đáng chú ý, sới bạc này còn có cả cán bộ đứng ra nhận hối lộ để bảo kê.
Đối tượng Đào Ngọc Quỳnh (SN 1986, cựu Công an xã Văn Đức, huyện Gia Lâm - phía sau) |
Đối tượng bảo kê sới bạc này là Đào Ngọc Quỳnh (SN 1986, cựu Công an xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), đối tượng móc lối đưa tiền bảo kê (đưa hối lộ) là Nguyễn Công Tú (SN 1987, ở huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội).
Theo cáo buộc, tháng 2/2022, Tú và Nguyễn Văn Vân (SN 1964, ở huyện Gia Lâm) bàn nhau mở sới bạc dưới hình thức xóc đia trên thuyền ở sông Hồng, thuộc địa bàn xã Văn Đức để lấy tiền tiêu xài. Vân dùng hai thuyền của gia đình, trong đó một thuyền bé để đưa đón "con bạc", còn thuyền lớn neo đậu trên sông để các "con bạc" sát phạt nhau.
Mỗi ngày, Tú và Vân tổ chức 2 ca đánh bạc từ 14 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Trên thuyền lớn, Vân và Tú thuê người xóc cái, phục vụ giải khát, thậm chí điều người có mặt tại sới bạc để các con bạc vay tiền. Khách đánh bạc phải trả cho Tú và Vân 1 triệu đồng/1 canh bạc.
Để hoạt động đánh bạc không bị xử lý, đầu tháng 2/2022, Tú và Vân liên hệ với Đào Ngọc Quỳnh (khi đó là cán bộ Công an xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) đặt vấn đề, hàng tháng trước ngày mồng 10, đưa cho Quỳnh 10 triệu đồng tiền “phế” để sới bạc hoạt động mà không kiểm tra, xử lý.
Quỳnh đồng ý với yêu cầu trên. Ngày 9/2/2022, bị cáo nhận 10 triệu đồng của Tú. Do thấy khách đến chơi đông, Quỳnh yêu cầu chi thêm 5 triệu đồng/tháng. Kể từ tháng 3/2022, Tú và Vân đã đưa cho Quỳnh 15 triệu đồng. Cơ quan Điều tra xác định, tổng số tiền Quỳnh đã nhận hối lộ là 75 triệu đồng.
Tới tháng 1/2023, Đào Ngọc Quỳnh bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù về tội Nhận hối lộ, Nguyễn Công Tú bị tuyên phạt 4 năm tù về tội Đưa hối lộ.