Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới tại Hà Nội
Sáng ngày 17/9, Bộ Công Thương đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các Hiệp định FTA thế hệ mới cho các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, từ đó hỗ trợ tận dụng tối đa các lợi ích từ việc thực thi các FTA.
Khóa đào tạo diễn ra trong 5 ngày, từ 17-21/9/2024, với sự tham gia của 50 học viên đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các viện, trường, trung tâm trên địa bàn Hà Nội, Điện Biên, Nam Định, Quảng Trị, Thái Nguyên, Yên Bái…
Đây là một chương trình đào tạo với mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia về các Hiệp định FTA thế hệ mới cho địa phương, doanh nghiệp để từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi ích từ việc thực thi các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu và rộng.
Bộ Công Thương đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các Hiệp định FTA thế hệ mới cho các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng |
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thông qua các khóa đào tạo, các học viên sẽ được thông tin cập nhật và hiểu rõ hơn về các nội dung cơ bản, trọng tâm của Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới, gồm: Phòng vệ thương mại; Các chủ trương, định hướng lớn của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình đàm phán, ký kết, thực thi các FTA thế hệ mới; Xúc tiến thương mại để tận dụng Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới; Các cam kết, quy định về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA và FTA thế hệ mới; Vấn đề lao động trong Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới...
Trong khóa đào tạo tại Hà Nội, “Phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới” là chủ đề đầu tiên của khóa đào tạo, do Báo cáo viên Nguyễn Việt Hà đến từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) trình bày.
Báo cáo viên đã cung cấp những thông tin cụ thể quy định về phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới đối với sản phẩm xuất khẩu; Kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro về Phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu; Cách thức xử lý rủi ro về Phòng vệ thương mại; Cách thức giải quyết vấn đề khi sản phẩm xuất khẩu bị áp biện pháp Phòng vệ thương mại; Các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý…
Những năm gần đây, số lượng vụ việc điều tra tăng nhanh, đặc biệt là chống lẩn tránh. Giai đoạn 2001-1011 là 50 vụ, nhưng giai đoạn 10 năm sau đó (2012-2022) là 172 vụ, tăng gần 3,5 lần. Cùng với đó, thị trường điều tra ngày càng mở rộng, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng; Xu hướng điều tra khắt khe hơn; Phạm vi điều tra ngày càng mở rộng; Mức thuế Phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường…
Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, giúp cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra Phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Và Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng 10 mặt hàng. Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp Phòng vệ thương mại, các hiệp hội và doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý, cùng đó, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc canh tranh bằng giá; đồng thời xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất từ đầu vụ việc và tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Trước đó, ngày 16/9/2024, tại TP. Hải Phòng, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương) cũng đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo để trở thành chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới (khóa cơ bản).
Khóa đào tạo thu hút sự tham gia của gần 80 học viên đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trên địa bàn TP. Hải Phòng và các địa phương lân cận.