
Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải sớm chuyển giao công nghệ tuabin và cánh quạt để hình thành công nghiệp điện gió

Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 29/04/2025 17:14
Sáng 26/2, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung; các trung tâm tiết kiệm năng lượng, trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, một số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
![]() |
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới được Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Dự kiến, Luật sửa đổi sẽ được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2025 và Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua vào tháng 5/2025.
Một trong các mục đích của việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong các hoạt động sử dụng năng lượng, phù hợp với các cam kết quốc tế. Cơ quan soạn thảo đang rà soát sự tương thích điều ước quốc tế trong luật với các điều ước quốc tế hiện hành mà Việt Nam đang tham gia là thành viên.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011. Sau 15 năm triển khai, đến nay, Luật đã bộc lộ những bất cập cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng của các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, giải quyết được các vấn đề của thực tiễn trong nước đặt ra, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Đồng thời, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ những vướng mắc, rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp Việt Nam kịp thời vận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Hoàng Việt Dũng – đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết, dự kiến, Dự án Luật sẽ sửa đổi 16/48 Điều tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.
Trong đó, 4 nhóm chính sách sẽ được lấy ý kiến rộng rãi để chỉnh sửa gồm: Các nội dung về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nội dung về quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nội dung quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nội dung về chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo dự án Luật. Bao gồm các nội dung về phân cấp, phân quyền đối với địa phương trong thực thi Luật; kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thúc đẩy phát triển các công ty dịch vụ năng lượng.