Hàng Việt vươn mình chiếm lĩnh thị trường nội địa
Thời gian qua, dù chịu sức ép cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại nhưng nhờ sự thích ứng linh hoạt bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường.
Đặc biệt, Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 15 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay.
Bên cạnh đó, hàng Việt Nam tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.
![]() |
Có hơn 90% người tiêu dùng cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt khi đi mua sắm |
Sức mua hàng Việt ngày càng tăng cao. Có hơn 90% người tiêu dùng cho biết sẽ ưu tiên mua hàng Việt khi đi mua sắm; 75% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt…
Kết quả ấn tượng về sự gia tăng hàng Việt trong các kênh phân phối có được từ quá trình bền bỉ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đưa hàng hóa sản xuất trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng.
Có rất nhiều lý do khiến người tiêu dùng Việt ngày càng dành sự ưu ái cho các sản phẩm nội địa. Trong đó, nổi bật là yếu tố chất lượng, các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng ngày càng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, mẫu mã đa dạng đã đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, không thua kém gì các mặt hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, rất nhiều nông sản, sản phẩm OCOP được kết nối, đưa vào hệ thống phân phối, được ưu tiên hỗ trợ truyền thông, quảng bá tiêu thụ, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, sử dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hàng Việt “đứng chân” vững chắc ở siêu thị, các nhà sản xuất trong nước cần kiểm soát và bảo đảm tốt chất lượng hàng hóa, đồng thời bao bì, mẫu mã cần bắt mắt, thu hút người tiêu dùng trong nước.
Cần tăng cường “chất” của hàng Việt, chinh phục người Việt bằng tinh hoa hàng Việt, xóa bỏ rào cản nhận thức về khoảng cách giữa “tiêu chuẩn xuất khẩu” và “tiêu chuẩn nội địa”.
Thúc đẩy thị trường trong nước luôn là giải pháp hàng đầu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Để thực sự khẳng định được vị thế của hàng Việt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài. Không chỉ là cải thiện chất lượng và mẫu mã, mà còn cần chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu mạnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và marketing. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức và sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với hàng Việt, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong nước trên thị trường.