Hàng Việt trên sàn thương mại điện tử: Tìm lối thoát giữa vòng vây cạnh tranh
Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng sôi động, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử quốc tế với những ưu đãi hấp dẫn đang tạo ra làn sóng mới cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển này không chỉ mang đến lợi ích mà còn đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế hiện nay, các gian hàng ngoại, từ quần áo, phụ kiện đến đồ dùng gia đình, nhà bếp... xuất hiện ngày một nhiều trên các sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động từ lâu tại Việt Nam như Shopee, Lazada... đã ít nhiều chiều lòng được một bộ phận không nhỏ khách hàng Việt.
![]() |
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc được vận chuyển về Việt Nam, |
Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc được vận chuyển về Việt Nam, với giá trị trung bình khoảng 45 - 63 triệu USD. Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp nội địa đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ở thị trường nội địa dù gặp sức cạnh tranh lớn đến từ các đơn vị nước ngoài nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn có những lợi thế nhất định đặc biệt về việc thấu hiểu tâm lý khách hàng.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 đạt trên 25 tỷ USD và được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong top 10 thế giới. Tuy nhiên, trong tương lai thị phần này có nằm trong tay các doanh nghiệp Việt hay không đòi hỏi nỗ lực không nhỏ từ các doanh nghiệp.
Sẽ còn nhiều việc phải làm cho các doanh nghiệp nội địa để hàng Việt không thất thế trên “sân nhà” lẫn “sân khách” giữa “guồng máy” thương mại điện tử. Doanh nghiệp phải thay đổi cách quản lý, cải tiến sản xuất để giảm chi phí đưa ra những mặt hàng chất lượng và cạnh tranh nhất, mới có thể “hút” được tệp khách hàng là người Việt, trước khi chinh phục khách hàng quốc tế thông qua các nền tảng bán hàng quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có sự cạnh tranh gay gắt, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chân chính, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.
Mặt khác, Bộ sẽ chủ động kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an... khai thác thông tin, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh truyền thông, cập nhật, đăng tải thông tin cảnh báo hành vi lừa đảo, gian lận thương mại, lợi dụng thương mại điện tử để cảnh báo người tiêu dùng…