
Giải pháp nào cho phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam?
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng tài nguyên đất hiếm đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) với khoảng 22 triệu tấn. Tuy nhiên để khai thác, chế biến và ứng dụng đất hiếm trong phát triển công nghiệp đặc biệt là cho ngành công nghiệp năng lượng xanh hiện không đơn giản khi mà các quốc gia coi đây là “bí mật về công nghệ”.
Tại Hội thảo “Đất hiếm Việt Nam - Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng”, do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức vừa qua, GS Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, dẫn số liệu Hội địa chất Mỹ cho biết nguồn trữ lượng đất hiếm thế giới khoảng 150 triệu tấn, tập trung ở một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Brazil, Australia hay Nga. Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm (chiếm 19% trữ lượng thế giới), đứng thứ hai sau Trung Quốc (38%).
Tại Việt Nam, tài nguyên đất hiếm được phân bố rải rác tại nhiều địa phương. Các mỏ có quy mô từ trung bình đến lớn chủ yếu phân bố ở các tỉnh Tây Bắc như: Lào Cai, Yến Bái và Lai Châu. Tuy nhiên việc khai thác còn nhỏ lẻ ở một số mỏ như Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), mỏ Yên Phú (Yên Bái) và và hầu như chưa có công nghiệp sử dụng đất hiếm.