Doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội, bứt phá cùng thương mại điện tử
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có bước tăng trưởng lớn với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
![]() |
Hoạt động livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử. |
Chưa bao giờ nền kinh tế số - hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng như hiện nay, tạo ra hàng triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.
Thống kê từ Amazon, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên sàn tăng vọt gấp 10 lần trong vòng 5 năm qua. Điểm sáng này đã khiến các doanh nghiệp tự tin, quyết tâm mở rộng quy mô hiện diện thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng kinh doanh trực tiếp trên nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải thay đổi phương thức cũng như chiến lược kinh doanh của mình.
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay, hơn một nửa doanh nghiệp trên cả nước đã triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, 44% số doanh nghiệp được hỏi đã xây dựng các trang web, 58% số doanh nghiệp có bán hàng thông qua mạng xã hội và hơn 24% các doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử.
Việc chuyển sang bán hàng trên các kênh online sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam điều hướng và nhanh nhạy thích ứng, nắm bắt các cơ hội kinh doanh chưa được khai thác và phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia để bắt nhịp dòng chảy thương mại điện tử xuyên biên giới, người bán cần hiểu hành vi tiêu dùng của người mua hàng thông qua thương hiệu lựa chọn, mức độ tin cậy, sự tiện lợi và dịch vụ phù hợp, cũng như phải xây dựng được thương hiệu nổi bật trong môi trường trực tuyến.