Điểm tin nóng thế giới ngày 19/7: Nga phản ứng EU quân sự hoá, Tổng thống Biden xem xét bỏ tranh cử
Nga cho nổ tung pháo binh và hàng chục UAV Ukraine lao tới Crưm
AFP đưa tin, ngày 18/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái (UAV) của Ukraina nhằm vào bán đảo Crưm chỉ trong 1 đêm.
“Các hệ thống phòng không đã tiêu diệt và đánh chặn 33 máy bay không người lái trên Crimea” - Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời bổ sung rằng các lực lượng ở Biển Đen đã phá hủy 10 máy bay không người lái của hải quân Ukraine đang hướng tới bán đảo Crưm.
Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev trước đó nói rằng những tiếng động lớn ở thành phố cảng của Crưm là kết quả của việc quân đội Nga đẩy lùi "một cuộc tấn công có chủ đích của máy bay không người lái".
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, hai máy bay không người lái đã bị bắn rơi trong đêm ở khu vực Bryansk phía tây nước Nga. Chính quyền địa phương cho biết không ai bị thương hoặc thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này của Ukraine.
Nga phản ứng về kế hoạch quân sự hóa EU
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng ý tưởng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ur-su-la von der Le-yen về việc chuyển đổi Liên minh châu Âu (EU) thành một liên minh quốc phòng là bằng chứng nữa cho thấy khối này đang tìm cách leo thang tình hình an ninh trên lục địa.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov |
Theo đài RT, hôm 18/7, bà von der Leyen, người vừa tái đắc cử vị trí Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC), đã công bố chương trình chính trị mà bà dự định thực hiện trong nhiệm kỳ thứ 2 kéo dài 5 năm.
Cam kết sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Quốc phòng và An ninh châu Âu, bà von der Leyen lập luận rằng hòa bình ở châu Âu đã bị phá vỡ bởi cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev. Đồng thời, bà nói thêm rằng khoản đầu tư tốt nhất vào an ninh châu u là đầu tư vào an ninh của Ukraine.
Bình luận về lời cam kết của bà von der Leyen, ông Peskov nhận xét rằng quan chức này đang báo hiệu “sự thay đổi ưu tiên” của EU tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực quân sự. “Điều này một lần nữa khẳng định rằng các quốc gia châu Âu nói chung đang thúc đẩy quân sự hóa, leo thang căng thẳng, đối đầu và phụ thuộc vào các phương pháp đối đầu trong chính sách đối ngoại của họ”, người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý.
Trước áp lực rút lui, Tổng thống Biden nêu điều kiện từ bỏ tranh cử Tổng thống Mỹ 2024
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BET, được công bố hôm 17/7, Tổng thống Biden đã nhận được câu hỏi về điều gì sẽ khiến ông xem xét lại việc tái tranh cử. Ông Biden đáp: “Nếu tôi mắc một số bệnh lý nào đó và nếu các bác sĩ đến gặp tôi và nói ông đã mắc vấn đề này, vấn đề kia”.
Đây là phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ về chuyện tái tranh cử. Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC đầu tháng này, ông Biden khẳng định sẽ chỉ từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay nếu “Chúa toàn năng” yêu cầu ông làm như vậy. Tại một cuộc họp báo ở Washington vài ngày sau đó, ông Biden nói sẽ tiếp tục tái tranh cử trừ khi các trợ lý mang đến các bằng chứng cho thấy ông không bao giờ có thể giành chiến thắng.
Tại cuộc phỏng vấn mới với BET, ông Biden thú nhận đã “phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong toàn bộ cuộc tranh luận” với ông Trump và sẽ tái cân nhắc quyết định của mình nếu một trong các bác sĩ thay đổi đánh giá của họ về ông.
Vị tổng thống 81 tuổi cũng lần đầu tiên tiết lộ từng muốn rời khỏi ghế lãnh đạo Nhà Trắng và “chuyển giao nó cho người khác” sau một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định tái tranh cử vì tin sự khôn ngoan và kinh nghiệm của bản thân sẽ giúp hàn gắn đất nước đang trong tình trạng chia rẽ ngày càng tồi tệ.
Người biểu tình đốt Đài truyền hình quốc gia Bangladesh, nhiều người mắc kẹt bên trong
Ngày 18/7, đài truyền hình nhà nước BTV của Bangladesh cho biết những người biểu tình đã đốt trụ sở của cơ quan này đặt tại Rampura thuộc thủ đô Dhaka.
Theo một quan chức giấu tên của cơ quan truyền thông nói trên, hàng trăm người biểu tình đã xông vào trụ sở, phóng hỏa đốt ít nhất 60 phương tiện và một tòa nhà văn phòng. Theo lời kể của ông, những người biểu tình ban đầu phóng hỏa một đồn cảnh sát ở Rampura sau khi cảnh sát nổ súng nhằm vào họ. Tiếp đó, những người biểu tình đuổi theo các cảnh sát trong khi tìm cách trú ẩn tại văn phòng của BTV. Sau đó, những người biểu tình giận dữ đã gây ra tình trạng hỗn loạn tại trụ sở của đài.
Các hình ảnh trên mạng xã hội Facebook cho thấy đám cháy đang nhanh chóng lan rộng, Đài truyền hình BTV đã kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp của lực lượng cứu hỏa trong bối cảnh nhiều nhân viên vẫn bị mắc kẹt bên trong.
Trong nhiều tuần qua, quốc gia Nam Á này đã "rung chuyển" bởi các cuộc biểu tình phản đối chế độ hạn ngạch việc làm nhà nước. Các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chối đáp ứng yêu cầu của người biểu tình. Tuần này, biểu tình đã leo thang thành bạo lực khi hàng nghìn người biểu tình đụng độ với các nhóm sinh viên ủng hộ chính phủ. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Các cuộc biểu tình này được xem là thách thức lớn đầu tiên đối với chính phủ của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina kể từ khi bà đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 1 vừa qua.