Chuyển đổi số ngành logistics: Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Đóng vai trò quan trọng như "mạch máu" của nền kinh tế quốc gia, ngành logistics tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng vai trò cốt lõi trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang được xem là yêu cầu bức thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí cho ngành dịch vụ trọng yếu này.
Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, logistics là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, ngành logistics cần phải đổi mới, để tìm ra các giải pháp thích nghi, hướng đến phát triển bền vững.
![]() |
Ngành logistic Việt Nam đang đứng trước loạt cơ hội và thách thức để chuyển đổi số thành công. Ảnh minh họa |
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 43.000 doanh nghiệp trong nước, trong đó, chiếm đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ số trong logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích, tối ưu hiệu quả, góp phần giảm chi phí logistics, khi mà chi phí logistics ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Theo số liệu thống kê, hiện nay các doanh nghiệp ngành logistics tại Việt Nam đang cung cấp từ 2 - 17 dịch vụ logistics khác nhau, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao nhận, vận tải, kho bãi, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực thử nghiệm, áp dụng các loại hình công nghệ vào hoạt động quản lý.
Là một trong những ngành then chốt, giới chuyên gia cho rằng, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh chuyển đổi số để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP.
Do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được đưa ra như là giải pháp quan trọng và xuyên suốt để phát triển ngành logistics, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.