
Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải sớm chuyển giao công nghệ tuabin và cánh quạt để hình thành công nghiệp điện gió

Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 27/03/2025 23:38
Với người dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận trải qua 8 năm khó khăn do dừng dự án nhà máy điện hạt nhân, nhưng giờ đây hết sức tự hào vì quê hương mình sẽ có Nhà máy điện hạt nhân sau khi có chủ trương tái khởi động, đặc biệt là sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác của Trung ương trực tiếp về thăm và kiểm tra địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam).
![]() |
Rời huyện Ninh Hải nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 mà nhóm phóng viên đã tới, ngược về trung tâm tỉnh Ninh Thuận, từ TP. Phan Rang - Tháp Chàm theo quốc lộ 1A khoảng 20km, chúng tôi tìm đến huyện Thuận Nam là huyện ven biển nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh nằm trong khu vực quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1, nơi đây dân số toàn thôn có 301 hộ với 1.086 khẩu.
Trái ngược so với huyện Ninh Hải, nếu ở Vĩnh Hải người dân chủ yếu phát triển nông nghiệp, cây trồng chủ lực là nho thì xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam với lợi thế là xã bãi ngang ven biển, nên người dân ở đây phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ hải sản. Những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là những đầm tôm trên cát, đầm ốc hương,... nối liền nhau xen lẫn những ngôi nhà tạm mái tôn dọc ven biển.
![]() |
Đáng chú ý, trên địa bàn xã Phước Dinh hiện còn có 4 dự án điện năng lượng tái tạo được đầu tư và đã được hòa lưới với tổng công suất 157,6MW. Trong đó, điện mặt trời có 3 dự án đó là: Trang trại điện mặt trời Gelex - Ninh Thuận, Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ, trang trại điện mặt trời hồ Núi Một và 1 dự án điện gió là Nhà máy điện gió Mũi Dinh.
Theo tìm hiểu, sau khi Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 dừng thực hiện, tháng 7 năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Thông báo về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tiếp đó vào tháng 1 năm 2024, UBND tỉnh có thông báo về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện khu tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Theo đó, nội dung của thông báo, hướng dẫn và cho phép các hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án được thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như kê khai, đăng ký đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của UBND huyện Thuận Nam, tính đến thời điểm hiện nay, kể từ khi 2 thông báo trên được ban hành, xã Phước Dinh đã thực hiện kê khai đăng ký đất đai đạt 94,06%.
![]() |
Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Trần Xuân Vỹ cho biết: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41 ngày 25/11/2009, xác định quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, công suất 2.000MW đặt tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Theo Quyết định số 6070 ngày 17/6/2015 của Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tổng diện tích nhà máy là 883,68ha.
Lãnh đạo UBND huyện Thuận Nam cho biết thêm, trong quá trình tạm dừng, UBND xã Phước Dinh đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ đất đai tại khu vực dự án, kể cả phần đất đã thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép, lấn chiếm đất đã thu hồi, bồi thường (nếu có) theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ, hiện trên địa bàn xã lao động chủ yếu là chăn nuôi, đánh bắt thủy sản gần bờ, nuôi trồng thủy sản, còn lại là làm thuê trong và ngoài tỉnh, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Hiện vùng sản xuất có diện tích 105,79 ha/39 hộ nằm giáp biển với hoạt động sản xuất chủ yếu là nuôi trồng thuỷ hải sản (nuôi tôm trên cát, ốc hương,...). Thu nhập bình quân đầu người toàn xã là 65,38 triệu/người/năm.
Nhận được thông tin dự án điện hạt nhân trên địa bàn tái khởi động, tâm lý chung của người dân có phần lo lắng vì sẽ thay đổi nơi ở, việc làm vì thu hồi đất…Trước đó, sau khi có thông báo dừng dự án, đa số người dân đã vay vốn, đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất nuôi tôm, ốc. Về đất đai chủ yếu là kê khai đăng ký nhưng chưa được cấp. Tuy nhiên, người dân rất vui mừng, đồng thuận, mong đợi dự án sớm triển khai và rất tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân.
Đối với dự án nhà máy điện hạt nhân, người dân rất hoan nghênh vì đây là dự án đặc thù của Quốc gia. Lần đầu tiên, xã Phước Dinh được Tổng Bí thư Tô Lâm về thăm, người dân rất mừng bởi Tổng Bí thư nói về việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân và phải lo cho dân. Lời nói của Tổng Bí thư khiến người dân rất yên tâm.
![]() |
Cách nơi quy hoạch đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 chừng hơn 2km, chúng tôi tiếp cận người dân tại thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, chia sẻ của người dân về dự án này. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạnh (53 tuổi) cho biết, nghe thông tin Nhà nước tái khởi động lại nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn xã, còn đó những lo lắng của người dân về dự án, trước đây có người vẫn chưa hiểu nên còn bàn tán, băn khoăn. Sau đó qua nhiều kênh thông tin nên người dân đã hiểu hơn về dự án là để phát điện phục vụ người dân, phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội, từ đó không lo lắng gì nữa. Đấy cũng là một số trường hợp cá biệt, còn lại hầu hết người dân đều ủng hộ, đồng thuận với chủ trương này và mong Nhà nước có những chính sách đặc thù hỗ trợ cho người dân địa phương.
Qua đó, chúng ta tin tưởng rằng, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển năng lượng của đất nước mà còn là cơ hội để phát triển, cải thiện đời sống của người dân trong khu vực. Với sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng, ủng hộ, đồng thuận cao từ người dân, cùng với các chính sách hỗ trợ hợp lý, Ninh Thuận đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng.